Hà Nội

Cần giáo dục văn hoá giao thông cho mọi tầng lớp nhân dân

08-05-2014 15:36 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - 5 ngày nghỉ lễ vừa qua, cả nước đã xảy ra 224 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 117 người, bị thương 151 người. So với cùng kỳ nghỉ lễ năm ngoái (từ 27-4 đến 1-5) giảm 16 vụ, nhưng tăng 7 người chết. Thật khủng khiếp! Và cái sự giảm này không phải tín hiệu đáng mừng!

5 ngày nghỉ lễ vừa qua, cả nước đã xảy ra 224 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 117 người, bị thương 151 người. So với cùng kỳ nghỉ lễ năm ngoái (từ 27-4 đến 1-5) giảm 16 vụ, nhưng tăng 7 người chết. Thật khủng khiếp! Và cái sự giảm này không phải tín hiệu đáng mừng!

Ông Hans Troedsson, giám đốc Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nhận định: " TNGT ở Việt Nam đã lên tới tỷ lệ của 1 đại dịch". Ông còn cho biết: Khoảng 40% số vụ TNGT đều do thanh niên tuổi từ 15 đến 24 gây nên. Theo WHO, trung bình mỗi ngày ở Việt Nam có khoảng 38 người chết vì TNGT. Việt Nam là nước đứng thứ 11 trong số các nước có số người chết vì TNGT lớn nhất thế giới. Những số liệu làm ta xót xa, kinh hoàng!

TNGT là vấn nạn đáng lo ngại và gây hậu quả nghiêm trọng về người và của. Mỗi năm, mất khoảng 40.000 tỷ vì TNGT. Nhiều thanh niên bị tàn phế, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Quá nhiều nỗi đau mang tên TNGT. Đặc biệt nỗi đau đó vô cùng dai dẳng mà nạn nhân đau khổ nhất là những đứa trẻ.

Có 101 nguyên nhân dẫn đến TNGT như không đội mũ bảo hiểm, chở 3-4, phóng nhanh vượt đèn đỏ, ngáo đá, xe quá đát, ngáo đá... trong đó, nguyên nhân do uống rượu bia gây tai nạn rất lớn. Chung quy lại là do ý thức tham gia giao thông của dân mình quá kém.

Chỉ khi mỗi người dân có văn hóa giao thông thì TNGT mới giảm. Ảnh Internet.

Chỉ khi mỗi người dân có văn hóa giao thông thì TNGT mới giảm. Ảnh Internet.

Vì vậy, chỉ khi mỗi người dân có văn hóa giao thông thì TNGT mới giảm. Muốn vậy, cẩn sự vào cuộc đồng bộ của xã hội. Trước hết, cần tăng cường khâu tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, chứ không chỉ phát động theo phong trào. Vai trò của gia đình rất quan trọng trong việc dạy con chấp hành luật lệ giao thông. Không tạo điều kiện để con đến trường bằng xe máy, nhắc nhở đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện. Các trường học thường xuyên dạy luật lệ giao thông và giáo dục HS văn hóa giao thông qua việc giảng dạy lồng ghép. Những SV vi phạm luật giao thông, đề nghị cảnh sát giao thông gửi biên bản về trường để hạ hạnh kiểm hoặc lưu ban. Những công chức vi phạm luật giao thông, cũng cần gửi về cơ quan xử lý nghiêm.

Nên nhớ rằng, các nước phát triển, có được sự văn minh như hiện nay, họ đã dùng luật thép để buộc người dân thực hiện pháp luật nên giờ đã thành nếp sống văn minh, lòng tự trọng thường trực trong mỗi người.

Ở các địa phương, nhất là vùng nông thôn, đoàn thanh niên cần phát huy vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, giáo dục. Nên đưa nội dung văn hoá giao thông vào hương ước làng và tiêu chuẩn gia đình văn hóa (GĐVH) ở các tổ dân phố. Nếu có con em vi phạm luật giao thông, gia đình sẽ bị cắt thi đua. Tuyên truyền cần kết hợp song song với xử lý nghiêm theo tinh thần của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Những đối tượng lăng mạ, hành hung CSGT, uống rượu khi điều khiển phương tiện giao thông cần xử lý nghiêm khắc và sớm nhất với tội danh hành hung người thi hành công vụ. Những thanh niên không nghề nghiệp mà vi phạm thì thu giữ lâu dài phương tiện giao thông. Tuyên truyền nội dung văn hoá GT cần làm thường xuyên, liên tục trong mọi ngành nghề, mọi địa phương chứ không nên chỉ làm theo tháng, tuần, như thế chẳng khác nào đáp đá ao bèo.

Tóm lại, tuyên truyền giáo dục văn hóa giao thông phải kết hợp song song với xử lý nghiêm theo tinh thần của Phó Thủ tướng Nguyễn xuân Phúc.Chỉ có như vậy thì mới hạn chế được TNGT, mang lại hạnh phúc cho mọi nhà, bình yên cho xã hội.

Minh Khánh

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

 


Ý kiến của bạn