Cần giám sát tối cao nguồn vốn ODA

31-10-2014 11:21 | Thời sự
google news

Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 đã đánh giá khá đầy đủ tình hình của đất nước. Tuy nhiên, cũng có không ít đại biểu tỏ ra quan ngại về những mảng màu tối trong bức tranh KT-XH thời gian qua.

Thận trọng trước những chỉ tiêu lạc quan đạt được

Liên quan đến những chỉ tiêu KT-XH đã đạt được, ý kiến của các đại biểu cho rằng KT-XH có chuyển biến tích cực trên nhiều mặt. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cân nhắc, đánh giá thận trọng hơn những chỉ tiêu KT-XH lạc quan đã đạt được, bởi thực tế có những khó khăn hơn rất nhiều so với báo cáo của Chính phủ hoặc có những vấn đề chưa được đề cập đầy đủ, thẳng thắn trong báo cáo Chính phủ như tình hình căng thẳng trong cân đối ngân sách khiến Chính phủ không thực hiện tăng lương theo lộ trình, tình hình nợ công tăng cao, báo cáo về phòng, chống tham nhũng… Bày tỏ những khó khăn thách thức với nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (đoàn Hòa Bình) đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục kiểm soát nợ công và nợ nước ngoài; kiên trì thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong những tháng cuối năm và những năm tiếp theo. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; các bộ ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu đầu tư và có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo lưu thông dòng vốn trong kinh tế cũng như việc điều hành linh hoạt thận trọng giá các mặt hàng thiết yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý ổn định kinh tế vĩ mô.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, phải có giải pháp đồng bộ và quyết liệt vực dậy sản xuất trong nước. Chính phủ cần có báo cáo chi tiết vì sao số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể nhiều; cần hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp vay trung và dài hạn để đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh...

Đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát nguồn vốn ODA

Đề cập đến nguồn vốn ODA, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng, ODA liên quan nhiều đến vấn đề nợ công nên đối với những dự án vay vốn ODA thì phải hết sức cẩn thận vì nó sẽ làm tăng gánh nặng nợ công. Để hạn chế nợ công, theo ông Tiên, chúng ta phải sử dụng nguyên tắc “vàng” là không vay chi cho ODA thường xuyên. Ông phản ánh, có dự án vay hàng trăm triệu đô-la vốn ODA chi thường xuyên. Từ thực tế đó, đại biểu đề nghị vay vốn ODA phải có ý kiến của cấp trên, nếu không nợ công cộng dồn sẽ lên mức rất lớn.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho biết, ODA qua 20 năm Việt Nam đã thu hút 78 tỷ đô-la Mỹ. Chính phủ đã rất nỗ lực để sử dụng vào phát triển KT-XH, nhiều dự án đạt kết quả tốt nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập, thất thoát, lãng phí, tham nhũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ dự án. Theo đại biểu Nga, chủ trương sử dụng nguồn vốn ODA đã được điều chỉnh, tuy nhiên, các quy định còn mang tính nguyên tắc, chưa ngăn được xin cho. Đáng lưu ý, pháp lý về ODA đã bộc lộ 2 bất cập là: Quốc hội - người chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công và người dân phải đóng thuế thì gần như đứng ngoài về ODA. Bà đề nghị Quốc hội ban hành luật quản lý, sử dụng ODA, công khai minh bạch toàn bộ số vốn, các dự án… Bên cạnh đó, bà Nga cũng cho rằng, trách nhiệm giám sát của Quốc hội về ODA chưa được coi trọng. 20 năm qua, mặc dù đã xảy ra nhiều sai phạm, nhiều vụ chấn động nhưng chưa một lần được giám sát tối cao về ODA.

Phiên thảo luận về tình hình KT-XH năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 sẽ được các đại biểu thảo luận trong ngày 30/10 và buổi sáng ngày 31/10. Tiếp đó, vào chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên.

Bên cạnh các vấn đề được đại biểu quan tâm về vấn đề nợ công, sử dụng vốn ODA…, nhiều ý kiến đại biểu đề cập đến vấn đề lao động việc làm, tình hình tệ nạn ma túy… Xung quanh các vấn đề này, phóng viên báo SK&ĐS đã ghi lại các ý kiến đại biểu.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM): Cần có nghị quyết riêng về tệ nạn ma túy

Về tình hình tệ nạn ma túy, người nghiện gia tăng, đại biểu Tâm cho rằng, số người nghiện đang rất cao trong cộng đồng, tới 200.000 người, một khi họ thiếu thuốc sẽ gây nhiều vấn đề phức tạp cho cộng đồng xã hội. Quốc hội cần cho phép thực hiện một số biện pháp tình thế để xử lý vấn đề cai nghiện. Ở những thành phố lớn có nghị quyết riêng về vấn đề này hoặc đan xen trong nghị quyết KT-XH để tháo gỡ những vấn đề luật pháp đang còn khó khăn trong đưa người đi cai nghiện bắt buộc.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội): Cần thiết tăng năng suất lao động

Nhấn mạnh về vấn đề năng suất lao động thấp là hòn đá tảng cản đà tăng trưởng, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu theo chiều rộng, 2 yếu tố chính là vốn và lao động. Qua báo cáo, thảo luận đều đã thấy vốn sắp tới rất khó khăn do nợ công sắp tới ngưỡng trần, đi vay khó khăn và việc làm thế nào để cải thiện nợ công là vấn đề phải bàn. Về yếu tố lao động, Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng, đồng nghĩa với việc đang chuyển dần sang già hóa dân số, tương ứng là quy mô lao động không thể tăng thêm như giai đoạn 2005-2010. Vì vậy, đại biểu cho rằng, vấn đề tăng năng suất lao động hiện nay là hướng đi quan trọng, sống còn giúp tiếp tục tăng trưởng bền vững và cạnh tranh với các nền kinh tế khác.

 

Minh Phong

 

 


Ý kiến của bạn