Học sinh phổ thông hiện nay phải tham gia 2 kỳ thi quốc gia: kỳ thi Tốt nghiệp THPT và kỳ thi Tuyển sinh CĐ - ĐH. Tỉ lệ thí sinh Tốt nghiệp THPT những năm gần luôn đạt xấp xỉ 100% và ngày một tăng cao khiến dư luận xã hội đặt câu hỏi về tính trung thực của kỳ thi cũng như đặt vấn đề nên hay không nên tổ chức kỳ thi. Thực tế hiện nay kỳ thi Tốt nghiệp THPT và bổ túc trung học (BTTH) chỉ còn hơn ý nghĩa “xóa mù”. Trong bối cảnh hiện tại, khi chúng ta chưa có một cách kiểm soát hiệu quả chất lượng giáo dục phổ thông thì việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp vẫn rất cần thiết. Nhưng việc tổ chức liên tục hai kỳ thi quốc gia có tính chất quyết định thực sự là một áp lực lớn.
Một số kỳ thi cấp quốc gia gây áp lực và lãng phí cho gia đình, nhà trường và xã hội. |
Có lẽ đã đến lúc giao kỳ thi Tốt nghiệp THPT và BTTH cho các Sở GD&ĐT tổ chức để giảm quy mô kỳ thi, phù hợp với từng địa phương, giảm tải cho các nhà trường. Kỳ thi Tốt nghiệp THPT chính là một ví dụ điển hình cho việc tổ chức những kỳ thi gây ra nhiều áp lực, lãng phí và tốn kém cho xã hội mà hiệu quả mờ nhạt. Đâu đó trong ngành giáo dục vẫn tồn tại rất nhiều kỳ thi như vậy. Ở địa phương chúng tôi, những năm gần đây, nhiều phòng GD&ĐT đã đứng ra tổ chức kỳ thi khảo sát cuối cấp tiểu học thay cho kỳ thi tốt nghiệp trước đây. Kỳ thi này thường được tổ chức vào cuối năm, hình thức tổ chức giống như một kỳ thi chuyển cấp: Đề thi do Phòng giáo dục ra nâng cao hơn chương trình, giáo viên cấp THCS coi và chấm thi, phòng thi xếp theo số báo danh, bài thi dọc phách,... Kết quả của kỳ thi dù không dùng đánh giá học sinh nhưng có tính quyết định trong việc xếp loại thi đua các nhà trường. Chính điều này vô tình biến kỳ thi tưởng chừng “vô thưởng vô phạt” này trở thành kỳ thi gây nhiều khó khăn, áp lực nhất với học sinh và giáo viên bởi tính thi đua cạnh tranh cao, vượt xa kỳ thi tốt nghiệp trước đây, vốn được loại bỏ để giảm tải thi cử. Để đạt kết quả cao trong kỳ thi, các nhà trường chỉ còn cách tăng cường ôn tập, tổ chức thi thử, cắt giảm chương trình học, thậm chí dạy thêm, học thêm, kéo dài năm học để tập trung vào các môn thi. Học sinh lớp 5 luôn phải bắt đầu và kết thúc năm học muộn hơn do phải ôn tập, kiểm tra thử. Học sinh khi hoàn thành chương trình tiểu học đã phải trải qua kỳ thi kiểm tra định kỳ cuối năm thì việc tổ chức kỳ thi như vậy chỉ làm tăng áp lực, căng thẳng không cần thiết cho các em học sinh nhỏ tuổi, đi ngược với chủ trương tiết giảm thi cử, giảm tải chương trình học của Bộ. Có lẽ ngành giáo dục của chúng ta hiện nay đang rất cần một công cụ đánh giá chất lượng dạy học khoa học, hiệu quả hơn thay cho việc tăng dày các kỳ kiểm tra, thi cử căng thẳng.
Phạm Trường Giang