Gánh nặng của bệnh ung thư
Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2020, tỷ lệ mắc mới ung thư của Việt Nam đã tăng lên 9 bậc, từ 164.671 ca mới vào năm 2018 tăng lên 182.563 ca mới vào năm 2020. Đồng thời, tỷ lệ tử vong do ung thư cũng tăng 6 bậc xếp 50/185 sau 2 năm. Có thể thấy, số ca mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng nhanh.
Đối với bệnh ung thư, để tăng cơ hội sống và khả năng chữa trị, bệnh cần được phát hiện và chẩn đoán sớm, lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, chi phí điều trị cũng đặt một gánh nặng tài chính đáng kể cho cả bệnh nhân lẫn gia đình.
Theo thống kê của Bệnh viện K (Hà Nội), chi phí điều trị đối với một bệnh nhân ung thư dao động trung bình trên 176 triệu đồng/năm. Trong đó bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả khoảng 51,87 triệu đồng (chiếm 29,3% chi phí điều trị).
PGS Lê Văn Hợi, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện K cho biết: Ung thư là căn bệnh sống còn, đòi hỏi liệu trình kéo dài với chi phí không hề nhỏ, gây áp lực lớn cho cả bệnh nhân và gia đình của họ.
Bởi vậy, việc BHYT hỗ trợ chi trả toàn bộ hoặc một phần chi phí theo quy định hiện hành có ý nghĩa rất lớn đối với bệnh nhân ung thư nói riêng, giúp tăng hiệu quả điều trị và giảm gánh nặng tài chính cho bệnh nhân. Hiện có nhiều loại thuốc mới ra đời có hiệu quả cao, tác dụng phụ ít đối với bệnh nhân ung thư, song chưa được phê duyệt kịp thời vào danh sách thuốc được BHYT chi trả.
Áp dụng kinh nghiệm quốc tế nhằm giảm gánh nặng chi phí
Giảm gánh nặng chữa trị ung thư cho bệnh nhân cấp thiết hơn bao giờ hết, nhất là những bệnh nhân phải được điều trị phối hợp giữa phẫu thuật, xạ trị và điều trị toàn thân. Câu hỏi đặt ra là làm sao để bệnh nhân ung thư tiếp cận được các thuốc mới giúp tăng cơ hội điều trị với mức chi phí hợp lý?
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã áp dụng những mô hình tài chính y tế tiên tiến nhằm giảm gánh nặng chi phí điều trị cho người bệnh, giúp quản lý Quỹ BHYT một cách hiệu quả và bền vững hơn.
Để tăng ngân sách cho chăm sóc sức khỏe, giảm tỉ lệ chi tiền túi của người dân, việc chuyển đổi mô hình tài chính y tế là cần thiết. Một số quốc gia đã phát triển mô hình BHYT bổ sung, với mục tiêu giúp thu hẹp khoảng cách giữa BHYT cơ bản và bảo hiểm thương mại, giảm tỉ lệ tự chi trả của bệnh nhân, giúp cải thiện khả năng tiếp cận các loại thuốc và phương pháp điều trị tiên tiến với mức phí bảo hiểm hợp lý. Mô hình BHYT bổ sung này đã đạt được những thành công bước đầu.
Hiện nay, Luật BHYT đang trong lộ trình nghiên cứu, xây dựng để trình cấp có thẩm quyền xem xét, thảo luận, sửa đổi theo định hướng thể chế hóa Nghị quyết 20 của Đảng là đa dạng hóa các gói BHYT, tăng cường liên kết, hợp tác giữa BHYT xã hội và BHYT thương mại", do vậy bảo hiểm y tế bổ sung nên được tiếp tục nghiên cứu và xây dựng mô hình phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Việc triển khai những mô hình tài chính tiên tiến phù hợp với thực tế tại Việt Nam đem lại hiệu quả tích cực cho số đông người dân thông qua việc góp phần đảm bảo tính bền vững cho Quỹ BHYT và giúp người dân Việt Nam tiếp cận những phát minh y khoa nhanh và gần hơn nữa.
TS.BS Nguyễn Thị Thái Hòa, Trưởng khoa Nội 2 – Bệnh viện K cho biết: Tại bệnh viện K hiện nay mới chỉ có 5% bệnh nhân điều trị theo liệu pháp miễn dịch do giá thành còn cao, trong khi thu nhập của người dân của chúng ta chỉ ở mức trung bình. Để nhiều bệnh nhân ung thư tiếp cận được liệu pháp này, BHYT nên chi trả một phần ở những nhóm bệnh nhân mà điều trị miễn dịch đem lại nhiều lợi ích.
Tỷ lệ chi trả từ tiền túi của người bệnh rất cao. Số liệu từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam năm 2017 cho thấy mức chi trả trực tiếp từ tiền túi là xấp xỉ 43%, tỷ lệ này rất cao so với mục tiêu của Bộ Y tế là 35% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.