Nâng cao năng lực quản lý rủi ro nhiệt độ cực đoan
Diễn đàn Sức khỏe Nhiệt độ Đông Nam Á (Southeast Asia Heat Health Forum) lần đầu tiên được tổ chức tại Singapore từ 07-10/1/2025 do Mạng lưới Thông tin Sức khỏe Toàn cầu chủ trì.
Với chủ đề "Hướng tới một Đông Nam Á có khả năng chống chịu nhiệt độ cao: Nâng cao sinh kế và phúc lợi", sự kiện đã thu hút hơn 200 chuyên gia, nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách toàn cầu. Được tài trợ bởi Wellcome và đồng tài trợ bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), diễn đàn tập trung nâng cao năng lực quản lý rủi ro nhiệt độ cực đoan, thúc đẩy các chính sách y tế công cộng dựa trên bằng chứng.
Tại diễn đàn, nhóm nghiên cứu trình bày tổng quan hệ thống về biến đổi khí hậu và sức khỏe, công bố trên The Lancet: Regional Health Western Pacific năm 2024, tổng hợp 127 nghiên cứu tại Việt Nam, với 29 nghiên cứu về nhiệt độ và sức khỏe.
Đáng chú ý, phần lớn các nghiên cứu này tập trung vào việc đánh giá tác động của việc gia tăng nhiệt độ và sóng nhiệt đối với tỉ lệ nhập viện và tử vong, trong khi rất ít nghiên cứu đề cập đến các dự báo tương lai, các giải pháp phòng ngừa và thích ứng với nhiệt độ cao.
Cần ưu tiên xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về nhiệt độ cao
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong lĩnh vực Y tế, Kế hoạch Hành động Quốc gia về Y tế ứng phó với Biến đổi Khí hậu 2019-2030, tầm nhìn 2050 là một trong những chính sách trọng tâm nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước các tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có Kế hoạch Hành động Sức khỏe thích ứng với nắng nóng và chưa phát triển hệ thống cảnh báo sức khỏe trong các đợt nắng nóng.
Phiên thảo luận tại diễn đàn ưu tiên xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về nhiệt độ cao, tích hợp dữ liệu thời tiết và sức khỏe để cảnh báo theo thời gian thực. Cần nâng cao năng lực y tế, trang bị cho bệnh viện và đào tạo nhân viên về xử lý bệnh do nắng nóng. Quan trọng hơn, cần xây dựng kế hoạch hành động sức khỏe ứng phó với nắng nóng, phù hợp thực tế địa phương, đảm bảo phối hợp liên ngành, đồng thời đánh giá và điều chỉnh định kỳ theo biến động khí hậu và tình hình thực tế.
Diễn đàn mang đến cơ hội để các quốc gia trong khu vực chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận các giải pháp ứng phó với nhiệt độ cao. Mặc dù đã có những bước tiến trong việc xây dựng chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, Việt Nam cần ưu tiên hệ thống cảnh báo sớm, nâng cao năng lực y tế và đẩy mạnh nghiên cứu phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước biến đổi khí hậu.