Ước tính 17.000 tấn rác ùn ứ tại nội đô trong 3 ngày. Nguyên nhân là do người dân tại xã Nam Sơn chặn không cho xe rác vào bãi. Điều này khiến người dân trong nội thành chẳng có cách nào khác là sống chung với rác. Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội rơi vào tình trạng này khiến dư luận bức xúc.
Nhiều ý kiến cho rằng, không thể tin nổi việc này lại xảy ra ở một thành phố lớn như Hà Nội, tình trạng này diễn ra đã nhiều lần và hình như không có phương án giải quyết triệt để.
Mặc dù lãnh đạo Hà Nội đã trực tiếp về địa phương đối thoại với người dân tại huyện Sóc Sơn, sau sự việc người dân chặn không cho các xe vào bãi rác Nam Sơn và cho dù sự việc đã tạm lắng xuống, nhưng các nhà quản lý có đảm bảo rằng những vụ việc tương tự sẽ không tái diễn, ở Hà Nội hay các nơi khác? Cuộc khủng hoảng rác một phần được dư luận cho rằng do tình trạng mật độ dân cư thực tế ở các khu đô thị đang vượt mức 3-4 lần so với mật độ cho phép, điều này tạo ra áp lực lên môi trường Thủ đô khi lượng rác thải ra mỗi ngày tăng theo số lượng dân cư.
Theo các chuyên gia về môi trường, hiện chúng ta đang quá chậm trễ trong việc xử lý rác thải bởi ở các nước đã có nhiều công nghệ xử lý rác hiện đại. Không hiểu vì sao chúng ta vẫn chậm trễ trong việc ứng dụng công nghệ vào giải quyết vấn đề. Đây không chỉ là câu chuyện quanh bãi rác, mà còn là câu chuyện về quy hoạch dân cư ở nội đô và nhiều vấn đề khác xung quanh việc xử lý rác thải.
Thực tế, hàng chục năm “chịu trận” với ô nhiễm và cuộc sống bị đảo lộn, người dân quanh bãi rác Nam Sơn đã biết bao lần kiến nghị được hỗ trợ, đền bù, di chuyển xa bãi rác nhưng đâu vẫn hoàn đó. Nhiều người cho rằng đó là sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân của một số người thực thi công vụ. Chuyện dân “nóng”, một số cán bộ “lạnh” vẫn xảy ra như vụ dân Nam Sơn chặn xe rác. Khẩu hiệu để một Hà Nội xanh, sạch, đẹp vẫn chỉ là trên khẩu hiệu, nhất là vừa qua Thủ đô gặp khủng hoảng về rác. Một thành phố phát triển hướng đến văn minh như Hà Nội mà không giải được bài toán phân loại rác thì mãi mãi sẽ chỉ loay hoay với vòng luẩn quẩn chôn lấp rác và chặn xe vào bãi rác như lâu nay.
Xử lý chất thải, rác thải phản ánh mức độ văn minh của một cộng đồng xã hội, đông đảo dư luận cho rằng, cần có quy định nghiêm hơn về phân loại rác kèm theo chế tài nghiêm minh để xử lý vi phạm. Bên cạnh đó cần thay đổi cách thu gom rác như ở một số nước trên thế giới đã áp dụng, lúc đó mới hy vọng có cuộc cách mạng về xử lý rác ở Việt Nam. Còn không nếu chúng ta vẫn cứ xử lý rác bằng cách dọn tự nhiên thì sẽ để lại hệ lụy môi trường cho chính chúng ta và nhiều đời sau.