Cần được xã hội nhìn nhận công bằng, khách quan

09-01-2014 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Phát biểu tại buổi Tọa đàm “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh: trách nhiệm, thách thức và sẻ chia” do Bộ Y tế và báo Nhân dân tổ chức ngày 8/1, ông Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, báo chí luôn đồng hành cùng ngành y tế...

Phát biểu tại buổi Tọa đàm “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh: trách nhiệm, thách thức và sẻ chia” do Bộ Y tế và báo Nhân dân tổ chức ngày 8/1, ông Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, báo chí luôn đồng hành cùng ngành y tế, nhưng cách thông tin về một số sự việc thời gian qua chưa công bằng với ngành có thể dẫn tới “khủng hoảng” niềm tin của xã hội với ngành y... Buổi tọa đàm do GS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Ủy viên T.Ư Đảng- Bộ trưởng Bộ Y tế và đồng chí Thuận Hữu - Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân đồng chủ trì buổi tọa đàm…

Người làm nghề y vô cùng vất vả...

GS.TS. Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư chia sẻ tại buổi tọa đàm rằng, nghề y luôn đặt tính mạng người bệnh lên trên hết, luôn sẵn sàng cứu chữa người bệnh, tuy nhiên, nghề y là nghề có nhiều tai nạn nghề nghiệp và có thể có nhiều sai sót. Do vậy, ngay cả các chuyên gia, giáo sư đầu ngành cũng không dám cam kết là không làm xảy ra tai nạn nghề nghiệp hay không!

 	Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Anh Tuấn

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Anh Tuấn

Là người “ngoại đạo” nhưng chia sẻ tại tọa đàm, ông Hà Minh Huệ đồng tình với ý kiến của ông Trí và bày tỏ sự thông cảm đối với ngành y, một ngành có hơn 400 nghìn cán bộ y tế, trong đó đa số đều hết lòng và tận tâm chăm sóc người bệnh. Y tế là nghề chữa bệnh cứu người, người làm công tác này cũng vô cùng vất vả, vinh quang nhưng cũng đầy cay đắng khi thất bại trong việc cứu một sinh mệnh. Một bác sĩ có thể cứu sống hàng trăm bệnh nhân, nhưng chỉ sơ sẩy đối với một bệnh nhân là cả xã hội lên án. Trong hoạt động báo chí, nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay vẫn có những nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Vi phạm báo chí, theo ông Huệ không gây chết người ngay tức khắc nhưng lại gây ảnh hưởng lớn đến xã hội. Do vậy, “để tăng cường hơn nữa lượng thông tin đầy đủ, toàn diện cho phóng viên có cái nhìn khách quan, không phiến diện trong quá trình tác nghiệp, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ hai phía: trước hết, nhà báo phải có tâm, trau dồi thêm kiến thức, tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực nhạy cảm này khi đặt bút viết tin, bài. Bên cạnh đó, ngành y tế cần chủ động cung cấp thông tin, ngoài định hướng chiến lược truyền thông lâu dài cần có phương án xử lý thông tin bài bản và nhất quán hơn khi xảy ra những sự việc ngoài ý muốn”- ông Huệ đề xuất.

Thách thức ngành y: Cần có sự chung tay của xã hội

Thông tin tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB, Bộ Y tế cho biết, tính đến cuối năm 2012, cả nước có 1.180 BV. Tổng số giường bệnh của toàn hệ thống BV năm 2012 là 199.011 giường bệnh, tương ứng với tỷ lệ 22,3 giường bệnh trên 1 vạn dân. Mạng lưới KCB từ T.Ư đến địa phương đang dần được củng cố và hoàn thiện, duy trì mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu đến tận tuyến xã, tăng cường đầu tư bằng các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị. Tuy nhiên, nhu cầu KCB của người dân ngày càng tăng đặt ra nhiều thách thức với hệ thống y tế, đòi hỏi đáp ứng được nhu cầu, mong mỏi của người dân, đặc biệt trong vấn đề nâng cao chất lượng KCB. Đồng tình với quan điểm này, đồng chí Thuận Hữu nhấn mạnh, trong những năm qua, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển. Tuy nhiên, hiện nay ngành y tế nói chung và hệ thống KCB nói riêng đang đối mặt với nhiều thách thức phải vượt qua để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi chính đáng ngày càng cao và đa dạng của người dân về dịch vụ y tế.

Là người gắn bó với ngành y tế đã lâu, GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam chia sẻ, muốn giải quyết được nhiều thách thức của ngành y tế, không chỉ một mình ngành y tế mà cần có sự vào cuộc của cả xã hội, trong đó có các nhà báo. Do đó, GS. Hùng mong muốn các nhà báo hãy chia sẻ với ngành y tế, tiếp sức cho ngành và đồng hành cùng ngành để xã hội nhìn nhận thầy thuốc công bằng hơn. Về phía ngành y tế, GS. Hùng cho biết, khi nói về y đức không thể kêu gọi các thầy thuốc “hy sinh” mà quên rằng thầy thuốc cũng phải mưu sinh. Vì vậy, chính ngành y tế cũng cần đổi mới giáo dục về y đức cho các thầy thuốc, gắn y đức với nâng cao y thuật, y nghiệp và y đạo.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, một số kết quả của ngành y tế trong công tác tiêm chủng mở rộng, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, chính sách BHYT, nâng cao chất lượng y tế cơ sở… luôn được bạn bè quốc tế đánh giá cao và ghi nhận tại nhiều diễn đàn quốc tế. Thế nhưng, điều này không có nghĩa là chúng ta bằng lòng với kết quả đạt được mà phải không ngừng nâng cao chất lượng KCB để phục vụ nhân dân tốt hơn. Muốn đạt được điều này, toàn hệ thống KCB cần phải nỗ lực làm việc để lấy lại niềm tin của nhân dân với ngành, phải đạt được “thầy thuốc giỏi như mẹ hiền”. Bộ trưởng cũng chia sẻ, cũng như các ngành nghề khác, đích cuối cùng của nghề y hay nghề báo… đều là vì nhân dân, do đó, sự cố gắng, nỗ lực của ngành y, của hàng vạn thầy thuốc đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân cần được xã hội nhìn nhận công bằng, khách quan thông qua việc đưa tin, bài của nhà báo.

Thái Bình

 


Ý kiến của bạn