Cần điều tra dịch tễ học về sự cố trong y tế

13-12-2013 14:44 | Thời sự
google news

Đó là ý kiến của ThS Nguyễn Trọng Khoa, phó cục trưởng cục Quản lý khám, chữa bệnh, bộ Y tế đưa ra tại diễn đàn quốc gia lần thứ hai về quản lý chất lượng (QLCL) bệnh viện ngày 12.12 tại TP.HCM.

Đó là ý kiến của ThS Nguyễn Trọng Khoa, phó cục trưởng cục Quản lý khám, chữa bệnh, bộ Y tế đưa ra tại diễn đàn quốc gia lần thứ hai về quản lý chất lượng (QLCL) bệnh viện ngày 12.12 tại TP.HCM. Sự cố y khoa được công luận nước ta quan tâm rất nhiều trong những năm qua và an toàn người bệnh chính là uy tín, chất lượng của bệnh viện, là đạo đức của cán bộ y tế.

Cần điều tra dịch tễ học về sự cố trong y tế

Một trong ba gia đình đau đớn vì mất con sau khi tiêm ngừa vắcxin VGSV B tại bệnh viện Hướng Hoá, Quảng Trị. Ảnh: CTV

Từng nhiều năm làm công tác quản lý bệnh viện, TS.BS Tăng Chí Thượng, phó giám đốc sở Y tế TP.HCM, đưa ra một số yếu tố thuận lợi cho tai biến điều trị xảy ra tại các bệnh viện của TP.HCM: quá tải bệnh nhân, số bệnh nhân nặng tăng cao, trang thiết bị cũ và không đồng bộ, thông tin cho bệnh nhân không đầy đủ, bệnh viện phải đón một lượng lớn người đến học và thực tập. Ông đưa ra một thí dụ đáng buồn: năm 2004, tại khoa hồi sức tích cực và chống độc bệnh viện Nhi Đồng 1 có đến hơn mười loại máy giúp thở khác nhau, điều này khiến cho nhân viên y tế khó thao tác chính xác.

Sai sót cũng có thể đến từ chuyện ít ngờ là tiêm thuốc. ThS Nguyễn Bích Lưu, phó chủ tịch hội Điều dưỡng Việt Nam, cho biết kỹ thuật phổ biến này vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro nếu không thực hiện đúng cách. Báo cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2000 cho thấy, hàng năm tiêm không an toàn khiến cho 1,3 triệu ca chết sớm, mất 26 triệu năm sống, tổn thất kinh phí gián tiếp 535 triệu đôla Mỹ/năm. Nếu không gây thiệt hại tính mạng, tiêm không an toàn cũng dẫn đến những ca nhiễm khuẩn đường máu mới với ước tính 22 triệu ca viêm gan siêu vi B (32% tất cả các ca mắc mới), 2 triệu ca viêm gan siêu vi C (40% tất cả các ca mắc mới), 260.000 ca HIV (5% các ca mắc mới).

Năm 2008 hội Điều dưỡng Việt Nam thực hiện một cuộc khảo sát tiêm an toàn tại một bệnh viện trung ương, một bệnh viện huyện và mười trạm y tế xã, dựa vào quan sát 440 mũi tiêm và phỏng vấn 111 cán bộ y tế. Kết quả cho thấy: 43,9% cán bộ y tế không rửa tay trước khi tiêm; 70,7% không sát khuẩn đầu, nắp ống thuốc; 87,7% rủi ro trong khi tiêm không được làm biên bản; 45% người trả lời không đủ ba tiêu chí của một mũi tiêm an toàn (không làm tổn hại người được tiêm, không làm tổn hại người tiêm, không làm tổn hại cộng đồng).

Học từ sai lầm để ngăn chặn sai lầm

Làm thế nào hạn chế thấp nhất tai biến điều trị? Để trả lời câu hỏi này, TS.BS Tăng Chí Thượng đề nghị bốn giải pháp: Tiếp cận hệ thống, xây dựng hệ thống khó mắc lỗi, xây dựng văn hoá không buộc tội, khảo sát và xây dựng văn hoá an toàn người bệnh.

ThS Nguyễn Trọng Khoa dẫn lại một thông điệp thường dùng để nói về những sai sót y tế, đó là “Nhân vô thập toàn”. Ông cho rằng, sai sót là điều không thể tránh khỏi trong khám, chữa bệnh, nhưng để giải quyết tốt, điều quan trọng là không buộc tội, lỗi lầm bằng việc tấn công cá nhân mà là tái thiết kế hệ thống để đưa ra những nỗ lực nhằm giảm thiểu sai sót trong tương lai.

Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM là một trong những bệnh viện lớn của cả nước nhận thức tầm quan trọng của QLCL bệnh viện. Từ năm 2009, bệnh viện này đã thành lập đơn vị quản lý nguy cơ với mục tiêu đánh giá nguyên nhân sự cố để từ đó cải tiến quy trình và hệ thống. TS.BS Lê Thị Anh Thư, trưởng đơn vị, cho rằng để làm tốt mục tiêu này, bệnh viện phải khuyến khích nhân viên báo cáo sự cố tự nguyện thay vì giấu nhẹm do sợ bị trừng phạt. Theo bà: “Cần học từ sai lầm để ngăn chặn lỗi xảy ra”.

Dù là vấn đề được những nhà quản lý y tế rất quan tâm, nhưng để giảm thiểu sự cố y khoa, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh không thể một sớm một chiều. TS Lương Ngọc Khuê, cục trưởng cục Quản lý khám, chữa bệnh – bộ Y tế, đưa ra một số thách thức trong việc nâng cao QLCL như lĩnh vực này còn tương đối mới ở nước ta và chưa thật sự nhận được sự quan tâm của lãnh đạo cơ sở y tế, năng lực cán bộ QLCL còn hạn chế, thiếu kinh phí cho hoạt động QLCL.

TS.BS Tăng Chí Thượng cho biết, tại TP.HCM mỗi bệnh viện sẽ tiến tới thành lập hội đồng QLCL, sở Y tế thành lập hội đồng QLCL sở Y tế và trong hội đồng này có ban an toàn bệnh nhân, ban an toàn môi trường, ban kiểm soát nhiễm trùng bệnh viện, ban khảo sát hài lòng bệnh nhân và nhân viên.

Theo SGTT

114 triệu euro cho dự án nâng cao năng lực y tế

Phát biểu tại diễn đàn quốc gia lần thứ hai về quản lý chất lượng bệnh viện, bà Bérénice Muraille, trưởng ban Hợp tác và phát triển của phái đoàn Liên minh châu Âu, cho biết tổ chức này vừa đồng ý cung cấp thêm 114 triệu euro cho ngành y tế Việt Nam (tới năm 2017). Số tiền này giúp Việt Nam trong nỗ lực hiện đại hoá việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế để bảo đảm bệnh nhân, đặc biệt là người nghèo và cận nghèo, có thể tiếp cận công bằng các dịch vụ y tế có chất lượng, không chỉ ở bệnh viện mà cả ở các trạm y tế xã.

 

 


Ý kiến của bạn