Cần đi trước đón đầu trong đào tạo

03-08-2010 8:10 AM | Văn hóa – Giải trí

Nhiều thông tin về tuyển sinh chắc hẳn không mấy vui vẻ không chỉ đối với các ngành nghệ thuật mà ngay cả khoa học xã hội.

Nhiều thông tin về tuyển sinh chắc hẳn không mấy vui vẻ không chỉ đối với các ngành nghệ thuật mà ngay cả khoa học xã hội. Những con số thống kê lạnh lùng chỉ ra sự sụt giảm đáng kể lượng thí sinh khối C, đồng nghĩa với việc sức hút của khối các trường khoa học xã hội nhân văn đã giảm sút. Đã xuất hiện những khoảng lặng, những trống vắng trong những ngành, những lĩnh vực. Để có thêm thông tin cụ thể, chúng tôi đã tìm gặp PGS.TS. Trần Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

- Thưa ông, lượng hồ sơ đăng ký vào trường năm nay có thay đổi theo chiều hướng giảm đi khá nhiều. Ông có thể lý giải gì về điều này?

- Theo tôi, điều đó không đáng ngạc nhiên vì nằm trong bối cảnh chung các trường đều giảm. Lượng giảm này chính là những hồ sơ ảo và vì thế, số lượng hồ sơ sẽ thực chất hơn. Một số thay đổi về qui chế tuyển sinh cũng đã làm cho thí sinh đắn đo hơn khi đăng ký như việc phải nộp đầy đủ lệ phí thi cùng hồ sơ. Riêng với khối các trường nghệ thuật, hai năm gần đây, khi Bộ Giáo dục-Đào tạo qui định thí sinh thi môn văn trùng với đề thi khối C thì lập tức các em học sinh không dám thử sức. Bộ VH-TT-DL cũng hiểu vấn đề này ở khía cạnh nào đấy là chúng ta đang lãng phí nguồn tuyển. Bộ cũng đã đề nghị giao lại cho các trường tự ra đề, lệch thời gian so với kỳ tuyển sinh khối C thì sẽ dồi dào nguồn tuyển, nâng cao được chất lượng tuyển sinh. Môn văn ở các trường nghệ thuật không phải là yếu tố quyết định trong khâu tuyển sinh. Thí sinh có thể 8 - 9 điểm văn mà vẫn trượt nếu không đáp ứng được về mặt năng khiếu vì trường không đào tạo những nhà nghiên cứu văn học mà đào tạo các nghệ sĩ, diễn viên...

 Diễn viên Kiều Thanh (trái), vốn là sinh viên Trường ĐH Sân khấu điện ảnh.

- Có một tình hình cũng rất đáng quan ngại khi chúng ta mở lớp Lý luận phê bình (LL-FB) sân khấu sau 5 năm không tuyển sinh vậy mà cũng chỉ có rất ít hồ sơ. Phải chăng điều đó là do công tác tuyên truyền quảng bá?

- Phải nhìn vào hiện thực những người làm LL-FB sân khấu hiện đang hoạt động ra sao. Các em khi thi cũng cân nhắc khả năng phát triển nghề nghiệp như thế nào. Công tác LLFB là rất quan trọng, nhưng thực tế ngay đội ngũ sân khấu, các nhà hát, các diễn viên còn đang rất khó khăn, lúng túng trong phát triển thì LLFB khó có thể đi trước được. Nó là vấn đề khách quan. Dù chúng ta có kêu gào, tuyên truyền như thế nào thì trong bối cảnh sân khấu khó khăn hiện nay, LLFB sân khấu vẫn rất ít người thi. Nếu sân khấu sáng đèn hằng đêm, trở thành ngày hội sang trọng thì chắc chắn sẽ có nhiều thí sinh tìm đến với sân khấu, trong đó có LLFB.

- Thực tế là không chỉ LLFB mà ngay với lượng thí sinh thi vào diễn viên SK-ĐA cũng giảm nhiều?

- Phim truyền hình đang phát triển, chúng ta cũng dần hình thành được đội ngũ diễn viên chuyên nghiệp. Nhưng đây rõ ràng là một nghề nghiệt ngã, nó không đơn thuần đòi hỏi bằng cấp mà còn là khả năng thật sự của người diễn. Hiện nay, không chỉ trường Đại học SK-ĐA quan tâm đào tạo lĩnh vực này cùng với nhiều lý do khác nữa đã dẫn đến việc số lượng thí sinh đăng ký dự thi có giảm sút cũng là điều tất nhiên.

- Bằng kinh nghiệm của nhiều năm công tác trong nghệ thuật cũng như ở vị trí lãnh đạo của trường, ông có thể dự liệu khả năng phát triển của đào tạo nghệ thuật trong những năm tới?

- Sân khấu điện ảnh đang gặp khó khăn. Nhưng muốn hay không thì dứt khoát vẫn phải tìm ra đường hướng phát triển vì đó là sức sống của văn hoá một dân tộc. Công tác đào tạo không thể ỷ lại vì khó khăn mà không tiến hành. Trường vẫn phải tìm cách đổi mới về chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, tiếp thu kinh nghiệm của các nước khác vận dụng vào Việt Nam. Chúng tôi vẫn trăn trở làm sao để trường tiếp tục phát triển và có những chuyên ngành, có nhiều mặt phải đi trước đón đầu sự phát triển trong tương lai của sân khấu điện ảnh.

- Xin cảm ơn ông!

            Cao Ngọc (thực hiện)


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH