Cần dẹp sân sau, điều tra giàu bất thường để chống tham nhũng

07-09-2018 07:08 | Pháp luật

SKĐS - Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban (UB) Tư pháp vừa diễn ra, UB đã tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018;...

Thảo luận về  những vấn đề này, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục kiểm soát, điều tra xác minh những người giàu bất thường, có tài sản bất minh, cùng đó phải rà soát và dẹp “sân sau” trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Bỏ tiền “chạy” thì khó trong sạch

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 cho biết, từ đầu năm đến nay có 29 người đứng đầu bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 5 người bị xử lý hình sự, 21 người đã bị xử lý kỷ luật, 3 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật. Tại phiên họp toàn thể của UB Tư pháp thẩm tra báo cáo của Chính phủ, còn nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề này. Cụ thể, có ý kiến đặt vấn đề, ngoài 29 người này, còn bao nhiêu trường hợp nữa để xảy ra tham nhũng, đã bị xử lý hành chính hoặc hình sự nhưng người đứng đầu không bị xử lý? Có phải do người đứng đầu các địa phương, cơ quan đơn vị này đã làm tốt công tác phòng ngừa tham nhũng, nhưng vẫn để xảy ra, tức là nó nằm ngoài trách nhiệm nên mới không bị xử lý?

Bày tỏ quan tâm đến công tác cán bộ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) cho rằng, các khâu bổ nhiệm, tuyển dụng, đề bạt, khen thưởng... chạy vào ngành nọ ngành kia ai cũng biết. Và đã bỏ tiền ra “chạy” thì khó mà trong sạch vì “phải tìm cách thu hồi lại vốn”. Đại biểu Nghĩa đề nghị cơ quan chức năng rà soát, siết lại hết xem khâu tuyển dụng, bổ nhiệm thế nào vì vừa qua công tác này có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng. Theo ông Nghĩa, có người sẵn sàng đóng vai trò tích cực làm chức vụ này, chức vụ kia và làm dự án hàng nghìn tỷ đồng gây thất thoát lớn rồi trốn. Như Vũ Đình Duy là điển hình vào, đi lên rất nhanh, được giao bao nhiêu dự án mà giờ thành vụ án chúng ta đang xử. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến cho rằng, nếu thực sự muốn chống tham nhũng, cần tiếp tục kiểm soát, điều tra xác minh những người giàu bất thường, có tài sản bất minh nhưng chưa bị phát hiện, trong đó chú ý những công ty tư nhân “sân sau” và làm trung gian như nhà thầu.

Cần dẹp sân sau, điều tra giàu bất thường để chống tham nhũngTại phiên họp toàn thể lần thứ 11 của UBTP, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục kiểm soát điều tra xác minh những người giàu bất thường.

Làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về vụ Phan Văn Anh Vũ (tức “Vũ nhôm”), Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, ngoài tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước đã được xử lý, bị can còn bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản và Vi phạm quy định về quản lý đất đai, quản lý công sản. “Sai phạm của Phan Văn Anh Vũ có liên quan gì đến địa phương không? Câu hỏi đặt ra là ai tiếp tay? Ở đây có sự vi phạm của chính quyền địa phương nên đã khởi tố hai ông nguyên Chủ tịch TP. Đà Nẵng... Ai là người giúp Phan Văn Anh Vũ lấy được 31 nhà công sản và hàng chục dự án, hiện đang được làm rõ”, Thượng tướng Lê Quý Vương thông tin.

Giả tâm thần: Vấn đề rất nghiêm trọng

Liên quan đến tình trạng làm giả bệnh án tâm thần để trốn tội trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP. Hà Nội nhận định, vấn đề giám định tâm thần đang nổi cộm hiện nay. Hà Nội là địa phương đã “nổ phát súng” đầu tiên bằng việc khởi tố, bắt tạm giam 2 bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần TW 1 để điều tra hành vi làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần. Tuy nhiên, theo ông Chính, đây chỉ là một phần rất nhỏ, tại nhiều địa phương, công tác giám định hiện nay cũng còn những vấn đề tồn tại. Tại tòa, các luật sư đưa ra chứng nhận bị cáo bị tâm thần từ nhỏ thì theo quy định tố tụng phải yêu cầu giám định. Đến khi có kết luận giám định thì bị cáo tâm thần trước, trong và sau khi phạm tội. Kết quả là tòa phải dừng xét xử, buộc đưa bị cáo đi chữa bệnh dù biết chắc việc giám định đó không đúng. Hiện, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra 11 vụ án để yêu cầu xem xét lại giám định tâm thần.

Theo Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga, hiện có hai vấn đề cần quan tâm. Một dạng là một số người tâm thần, lẽ ra phải điều trị lại để ở ngoài xã hội gây án. Loại thứ hai, có một số đối tượng khi phạm tội thì rất bình thường nhưng đến khi xử lý thì đưa ra bệnh án tâm thần hoặc có giám định là bị tâm thần khi phạm tội nên không xử lý được. Mới đây, Hà Nội mới phát hiện hơn 90 bệnh án tâm thần giả và đã khởi tố 2 bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần TW 1, nhưng khả năng vấn đề này không nằm ở Hà Nội, bà Nga cho biết và đề nghị các cơ quan tư pháp phải kiểm tra, vì cho rằng đây là vấn đề rất nghiêm trọng.

Trong báo cáo một số ý kiến của nhóm nghiên cứu UB Tư pháp Quốc hội về báo cáo của Chính phủ đối với công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp, cũng nhận định vấn đề làm giả hồ sơ tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự sau khi thực hiện hành vi phạm tội xảy ra từ nhiều năm trước, nhưng chưa có giải pháp để khắc phục triệt để. Từ đó, ông Pha đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất thuốc, quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu kinh doanh thuốc trên thị trường, phối hợp với Bộ Công an rà soát kiểm tra với các quy trình khám, chữa bệnh, xác định pháp y tâm thần và xử lý nghiêm đối tượng vi phạm.

Giải trình thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, trước đây, một số địa phương cũng đã có một số vụ việc được xử lý, kể cả vấn đề làm giả hồ sơ để được hưởng đặc xá. Ông Vương khẳng định, vụ việc làm giả hơn 90 bệnh án tâm thần ở Hà Nội vừa qua là hết sức điển hình và trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ kiểm tra kỹ, có báo cáo chi tiết.


H.Phong
Ý kiến của bạn