Cần đánh thức một dòng phim

22-09-2018 08:29 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Mặc dù giàu tiềm năng nhưng phim nhạc kịch ở nước ta còn chưa định vị trong nền điện ảnh nói riêng, khán giả Việt nói chung. Số lượng ít ỏi, thiếu sức sáng tạo, nội dung chưa cao... đã khiến dòng phim nhạc kịch nước nhà chỉ là cái bóng của thời gian. Bởi thế, nhiều khán giả kỳ vọng trong tương lai, dòng phim này sẽ được giới trong nghề đánh thức.

So với những nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới, phim nhạc kịch (còn được gọi là phim ca nhạc) ở nước ta chưa thật sự phát triển và vẫn còn có một khoảng cách không nhỏ. Phim nhạc kịch là những tác phẩm điện ảnh, trong đó các bài hát được các diễn viên (nhân vật) thể hiện xen lẫn với mạch kể, đôi khi đi kèm với các bài nhảy. Các bài hát thường đóng vai trò phát triển cốt truyện và nhân vật trong phim, cũng có lúc chỉ đơn thuần là những khúc nghỉ ngắt quãng trong mạch truyện. Đặc trưng của phim nhạc kịch thường chứa nhiều yếu tố gợi lại không khí trong nhà hát, các diễn viên trong phim thường biểu diễn các ca khúc và điệu nhảy (vũ đạo) như thể đang có người xem ở dưới sân khấu.

Tại Việt Nam, dòng phim này còn thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Mới đây, bộ phim ca nhạc Mùa viết tình ca của đạo diễn Thắng Vũ ra rạp trên cả nước nhưng cũng không được đánh giá cao. Thực tế, Mùa viết tình ca cũng có những mặt đáng ghi nhận như kể câu chuyện tình yêu của tuổi trẻ theo hướng hiện đại, đề cập đến mối quan hệ nam - nữ còn nhiều góc khuất trong showbiz, lên án vấn nạn đạo nhạc... Bên cạnh đó, bộ phim của đạo diễn Thắng Vũ cũng khéo léo đưa vào nhiều ca khúc như Huyền thoại người con gái, Vào hạ, Lối thoát, Cảm nắng, Mày đang kiếm cái gì, Ngày khác lạ, Mặt trời của em, Con đường màu xanh... có sự kết hợp giữa yếu tố hiện đại và truyền thống.

Cần đánh thức một dòng phimPhim ca nhạc Mùa viết tình ca vừa ra rạp ở nước ta nhưng nhiều khán giả vẫn nhận thấy không ít mặt tồn tại.

Tuy nhiên, trong tổng thể của Mùa viết tình ca, khán giả không khó để nhặt ra những hạn chế của tác phẩm này. Chẳng hạn ca khúc chủ đề Mùa viết tình ca của bộ phim có giai điệu và ca từ đều không mấy bắt tai. Nhiều phân đoạn phim khán giả chờ mãi không thấy nhạc, có lúc lại quá nhiều như một chương trình... ca nhạc. Bên cạnh đó, một số chi tiết về chuyện tình yêu của các nhân vật trong phim còn khiên cưỡng, thiếu thuyết phục. Quá nửa phần còn lại của Mùa viết tình ca nhiều tình tiết phim có phần loạn nhịp, không tạo ra được sự kịch tính cần thiết của một tác phẩm điện ảnh. Ngoài ra, khán giả đánh giá diễn xuất của ca sĩ Isaac (vai nhạc sĩ Bảo Trung) còn đơ cứng ở các tình tiết thể hiện nội tâm.

Trước Mùa viết tình ca, một số phim nhạc kịch (phiên bản truyền hình, phim chiếu rạp) cũng đã đến với khán giả nước ta nhưng đa số nhanh chóng chìm vào quên lãng. Cho một tình yêu (đạo diễn Nguyễn Tranh - Lê Hóa) dài 36 tập có sự tham gia của nhiều ngôi sao trong làng nhạc Việt hiện đại như ca sĩ Quang Dũng, Tuấn Hưng, Mỹ Tâm... song không được đánh giá cao. Ngoài phần nhạc được khán giả yêu thích, Cho một tình yêu mất điểm bởi hầu như không có vũ đạo, những ca sĩ lần đầu tham gia đóng phim với lối diễn xuất thiếu tự nhiên, khô khan, cứng nhắc, lời thoại gượng gạo và không có nhiều cảm xúc khiến Cho một tình yêu chưa kịp nở đã tàn. Ngoài ra, phim nhạc kịch Vũ điệu đam mê của đạo diễn Nguyễn Đức Việt - tác phẩm đầu tiên ở nước ta đề cập tới Hip - Hop từng được công chúng chờ đợi nhưng sau đó Vũ điệu đam mê chìm vào quên lãng. Bởi Vũ điệu đam mê có những động tác vũ đạo, những góc máy quay đặc tả nhân vật giống với bộ phim ăn khách Sep Up của nước ngoài, điều này không cho thấy cái mới và riêng có để thuyết phục người xem.

Bên cạnh đó, các bộ phim nhạc kịch “made in Việt Nam” như Giải cứu thần chết, Những nụ hôn rực rỡ, Sài Gòn Yo, Hạnh phúc quanh ta (30 tập), Hát ca bềnh bồng (40 tập), Vết xước (60 tập)... không tạo được ấn tượng với công chúng. Hầu hết các tác phẩm này thiếu sức hút vì được mặt này mất mặt khác. Có phim nổi bật về phần nhạc nhưng lại chưa chú trọng đến vũ đạo. Có tác phẩm có ý tưởng tốt, tập trung vào phần vũ đạo nhưng lại có sự mô phỏng và bắt chước theo các phim nước ngoài nên khán giả không khỏi cảm thấy “quen quen”.

Giới trong nghề thừa nhận, phim ca nhạc Việt còn yếu cả trong kịch bản, diễn xuất, các câu chuyện chưa được xâu chuỗi hợp lý để phù hợp với âm nhạc và vũ đạo. Được đánh giá rất tiềm năng nhưng dòng phim này ở Việt Nam không dễ khai phá vì nhiều lý do khác nhau. Ngoài kinh phí sản xuất tốn kém thì một trong những công việc gian nan cho các nhà làm phim là chọn diễn viên. Nếu chọn diễn viên, người mẫu chuyên nghiệp có thể diễn xuất tốt nhưng họ lại hát không hay hoặc không biết hát sẽ làm hỏng bộ phim đó. Ngược lại, chọn ca sĩ hát hay nhưng diễn xuất còn yếu, thiếu chuyên nghiệp như trường hợp của ca sĩ Quang Dũng, Mỹ Tâm, Tuấn Hưng trong phim Cho một tình yêu cũng sẽ làm tổng thể tác phẩm thất bại.


Sơn Tùng
Ý kiến của bạn