Cần dành khẩu trang y tế cho y, bác sĩ tuyến đầu phòng dịch

25-03-2020 09:19 | Thời sự

SKĐS - Trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 này, cùng với nhiều lực lượng khác, các thầy thuốc hằng ngày luôn có mặt ở những tuyến đầu, đối diện trực tiếp với dịch bệnh và như vậy cũng có nghĩa là họ luôn đối mặt với những nguy cơ lây nhiễm bệnh bởi môi trường bệnh viện luôn đông đúc, nhiều thành phần...

Vũ khí bảo vệ đầu tiên mà họ cần là trang thiết bị chống dịch, đó là những bộ quần áo, găng tay, là khẩu trang y tế.

Đảm bảo an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch

Trong số những ca bệnh mắc COVID-19 mà Bộ Y tế công bố sáng 23/3, đã có 1 bác sĩ hiện đang làm việc tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Như vậy, đến thời điểm này, đã có 3 nhân viên y tế ở nước ta mắc COVID-19.

Trước đó, ngay sau khi có nhân viên y tế mắc COVID- 19, Bộ Y tế đã có văn bản về việc hạn chế tiếp xúc gần giữa các nhân viên y tế và giữa các người bệnh trong cơ sở khám chữa bệnh. Trong đó, quy định khu vực khám này cần được sắp xếp biệt lập với các khoa, phòng khác; biển chỉ dẫn rõ ràng để người bệnh đi khám đúng nơi...

Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn khác gửi các bệnh viện, yêu cầu khi khám và điều trị cho bệnh nhân cần điều trị dài ngày thì căn cứ vào tình hình thực tế, trong thời điểm chống dịch kê đơn thuốc không quá 3 tháng cho bệnh nhân, cơ sở khám chữa bệnh cũng phải cung cấp số điện thoại để người bệnh có thể liên hệ ngay khi cần, bệnh viện cũng phải dự trữ đủ thuốc men, đặc biệt lưu ý các thuốc tim mạch, tiểu đường, huyết áp, trang bị đủ trang phục chống dịch, đồ bảo hộ cá nhân cho thầy thuốc.

GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, Bệnh viện Bạch Mai dự trữ tới 3 triệu chiếc khẩu trang y tế và ngay từ trước khi ở đây có nhân viên y tế nhiễm bệnh, các bác sĩ, điều dưỡng đã phải thực hiện nghiêm quy trình bảo hộ: tăng số lượng khẩu trang sử dụng hằng ngày, thường xuyên sử dụng đủ trang phục bảo hộ gồm găng tay, mũ, khẩu trang, kính... trong toàn bộ thời gian làm việc ở bệnh viện thay vì chỉ sử dụng trong thời gian tiếp xúc với bệnh nhân như trước đây.

Người dân cần dành khẩu trang cho y bác sĩ tuyến đầu phòng dịch.

Người dân cần dành khẩu trang cho y bác sĩ tuyến đầu phòng dịch.

Người dân hãy sử dụng khẩu trang vải kháng khuẩn hằng ngày

PGS.TS. Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: “Hiện nay, năng lực sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn của nước ta rất phong phú, không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước mà còn có thể xuất khẩu. Do đó, người dân hãy sử dụng khẩu trang vải kháng khuẩn hàng ngày thay vì sử dụng khẩu trang y tế vì họ không tiếp xúc với môi trường có nguy cơ như bệnh viện, kiểm dịch y tế quốc tế, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm...”, PGS.TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Cũng theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, khẩu trang vải kháng khuẩn ở nước ta đã được các cơ quan chức năng thẩm định chất lượng nên người dân hãy yên tâm sử dụng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất.

“Dịch bệnh đang còn nhiều phức tạp nên thông điệp mà tôi muốn chuyển tải đến các bạn là hãy dành khẩu trang y tế, trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế, cho lực lượng chức năng chống dịch để họ được an toàn hơn khi thực hiện nhiệm vụ. Khi họ an toàn thì chính chúng ta cũng được bảo vệ nhiều hơn. Đồng thời, khẩu trang y tế cũng dùng để dành cho người bệnh, cho người nghi nhiễm bệnh sử dụng nhằm tránh lây bệnh ra cộng đồng”, PGS.TS. Trần Đắc Phu nói.

Trong kịch bản phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã huy động 90.000 bác sĩ, 125.000 điều dưỡng cả nước sẵn sàng tham gia chống dịch. Đồng thời, Bộ Y tế cũng dự kiến huy động thêm khoảng 16.000 sinh viên năm cuối trường y, dược và khoảng 26.000 điều dưỡng. Tại Hà Nội, 280 y bác sĩ về hưu cũng mong muốn được đóng góp công sức. Bên cạnh đó, lực lượng công an, quân đội... cũng sẽ tham gia rất nhiều vào chống dịch.

Xử lý nghiêm cơ sở bán lẻ thuốc đầu cơ, nâng giá bán khẩu trang y tế

Để thực hiện tốt Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 31/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới virus Corona gây ra và ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh virus Corona chủng mới, Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động làm đầu mối hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh dược, trong đó đặc biệt lưu ý giám sát đối với việc kinh doanh khẩu trang y tế là mặt hàng đang có diễn biến phức tạp về nhu cầu của nhân dân và nguồn cung của các nhà sản xuất. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đối với hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá bán khẩu trang y tế, ngoài việc xử phạt bằng tiền cần xem xét áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tước chứng chỉ hành nghề dược của người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, đình chỉ hoạt động kinh doanh dược của nhà thuốc và cơ sở bán lẻ thuốc khác theo quy định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định pháp luật khác có liên quan.


Bình An
Ý kiến của bạn