Xã Ba Điền, Ba Tơ, Quảng Ngãi vốn là địa phương đã quá “nóng” vì hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, trạm y tế xã Ba Điền được đầu tư gần 4 tỷ đồng gồm các hạng mục: 12 phòng làm việc của cán bộ y tế, phòng khám điều trị cho dân cùng hệ thống công trình phụ như nhà tắm, vệ sinh, nhà ăn và tường rào cổng ngõ... Tuy nhiên công trình phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân này đang rất cần cú “hích” để hoàn thành.
Theo kế hoạch, vào ngày 9/3/2013, Trạm y tế xã Ba Điền hoàn thành thi công để đưa vào sử dụng. Nhưng hiện tại, công trình vẫn dở dang, ngổn ngang gạch, ngói. Ông Phạm Văn Thoái - Phó Chủ tịch HĐND xã Ba Điền lắc đầu cho biết: “Bà con ai cũng mong đơn vị thi công tập trung xây dựng. Nhưng họ thi công quá ì ạch. Mỗi ngày chỉ có vài ba công nhân xây dựng thì biết bao giờ mới hoàn thành”.
Trong 5 tháng qua, khi Trạm y tế xã thi công, chính quyền đã mượn phòng làm việc của các hội đoàn thể để khám chữa bệnh ban đầu cho dân. Các y, bác sĩ của trạm thấy Trạm y tế được cấp kinh phí để xây dựng nên động viên nhau vượt qua khó khăn, làm tốt việc khám, chữa bệnh cho nhân dân. Nhưng, trạm y tế xã xây dựng quá ì ạch nên không chỉ y bác sĩ mà bà con cũng bức xúc. Chúng tôi trao đổi với ông Phạm Văn Bút - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Ba Điền - người hiến đất xây dựng Trạm y tế. Ông Bút bộc bạch: “Là lãnh đạo địa phương, tôi hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con mong muốn có trạm y tế khang trang để đáp ứng công tác khám chữa bệnh. Do vậy, khi có kinh phí xây dựng, nhưng chưa chọn được mặt bằng phù hợp, tôi đã bàn với vợ hiến ngay 150m2 đất xây dựng trạm y tế. Ngày khởi công, bà con ở các thôn đến dự đông lắm. Ai cũng vui vì nghĩ rằng công trình xây dựng xong sẽ đáp ứng việc khám bệnh, cấp phát thuốc, sinh nở và nhất là sơ cứu người bị bệnh viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân. Nhưng rồi, trạm y tế xây dựng khá chậm, chẳng biết bao giờ mới xong. Không thể chấp nhận cảnh các y bác sĩ thường ngày phải khám, cứu chữa người bệnh trong điều kiện phải đi mượn phòng của các hội đoàn thể, trong khi đơn vị xây dựng lại thi công cầm chừng”.
Ông Phạm Văn Tới, một người dân của xã Ba Điền cho hay: “Thời gian qua, nhờ có Đảng, Nhà nước tuyên truyền nên bà con ở các thôn lân cận đã ý thức được hội chứng viêm da dày sừng không lây lan nên chúng tôi cũng không sợ sệt, né tránh như lúc đầu nữa. Không chỉ là sửa chữa nhà cửa, mà bà con ở thôn làng Rêu cần giúp đỡ gì thì bà con ở các thôn khác trong xã cũng sẵn sàng qua lại giúp đỡ”. Nói về nét đổi thay ở vùng quê miền núi này, ông Phạm Văn Bút cho biết, đời sống nhân dân Ba Điền đã thay đổi rất nhiều từ nếp ăn, nếp ở đến vệ sinh môi trường và cá nhân hằng ngày. Nghe theo lời vận động tuyên truyền của chính quyền và ngành y tế, đồng bào H’re nơi đây đã biết dọn vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm, sử dụng gạo trắng do nhà nước cấp (15kg/khẩu/tháng), ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt, bà con khi bị bệnh đã biết đến tìm bác sĩ ở trạm y tế để khám, chữa bệnh chứ không cúng bái, tin theo các hủ tục lạc hậu như xưa.
Thế nhưng, không thể phủ nhận rằng hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân đã làm cho cuộc sống đồng bào nơi đây bị xáo trộn, mất mát quá nhiều. Vì vậy, cần lắm những công trình dân sinh như trạm y tế sớm được đưa vào sử dụng.
Thanh Phương