Minh bạch các yếu tố đầu vào
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, giá nước sạch được thành phố áp dụng (theo Quyết định số 38/2013/ QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND TP. Hà Nội) 10 năm nay vẫn chưa được điều chỉnh, đang là vướng mắc lớn nhất khiến nhiều nhà đầu tư bỏ cuộc, chậm triển khai tiếp dự án... Đây cũng là nguyên nhân khiến kế hoạch phủ mạng cấp nước tới khu vực nông thôn không đạt mục tiêu giai đoạn 2016-2020.
Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu 100% người dân đô thị và nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn từ nguồn cấp nước tập trung của thành phố. Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch đạt khoảng 85% (hơn 4 triệu người với hơn 1 triệu hộ dân).
Cuối năm 2022, Công ty CP nước mặt sông Đuống cũng thông báo tới các đơn vị bán nước sạch về việc điều chỉnh giá. Lộ trình điều chỉnh giá bán buôn nước sạch tăng từ 5.059 đồng/m3 lên 8.326 đồng/m3 vào năm 2023 và tiếp tục tăng lên 9.100 đồng/m3 năm 2024.
Hiện giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt ở Hà Nội đang áp dụng theo Quyết định 38 ngày 19/9/2013 theo giá lũy tiến. Theo đó, với 10m3 đầu tiên giá bán 5.973 đồng/m3 và tối đa 15.929 đồng/m3 khi dùng trên 30m3 (áp dụng từ 1/10/2015). Một số đơn vị bán buôn nước sạch cho rằng, nếu tính đúng, đủ, giá bán lẻ phải là 7.700 đồng/m3. Với mức 5.973 đồng/m3 chưa bao gồm chi phí đầu tư, doanh nghiệp sẽ lỗ.
TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, đây không phải là lần đầu tiên đưa ra đề xuất tăng giá nước sạch. Với những tính toán của doanh nghiệp, việc tăng giá nước sạch là cần thiết, nhưng quan trọng nhất vẫn là minh bạch các yếu tố đầu vào, cơ cấu tính giá và tác động của tăng giá đến đời sống.
TS Long cho rằng, nước sạch là một mặt hàng độc quyền vì thế Nhà nước cần kiểm soát việc tăng giá nước sạch cũng như giá cả của mặt hàng này sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế sản xuất và không gây lo ngại trong dân.
"Chính vì nước sạch là mặt hàng độc quyền nên cần thiết phải đảm bảo đủ chi phí cho công ty nước sạch thì đơn vị này mới có thể tồn tại được. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần kiểm soát chi phí này", ông Long phân tích.
Chuyên gia cho rằng, thị trường dịch vụ nước sạch còn nhiều vấn đề chưa hoàn chỉnh, từ khâu tổ chức đến khâu điều tiết, vận hành thị trường. Việc thu hút đầu tư tư nhân là cần thiết để mở rộng nguồn cung nước sạch, đảm bảo được quyền tiếp cận nước sạch cho người dân. Tuy nhiên, để tư nhân tham gia, các khuôn khổ, quy định cho thị trường cần được hoàn thiện thêm.
Cần có nhãn tiết kiệm nước cho sản phẩm gia dụng
Theo TS Hoàng Thị Huê, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển hướng từ quản lý cung cấp nước (Water Supply Management - WSM) sang quản lý cầu về nước (Water Demand Management - WDM) giữ một vai trò quan trọng trong chiến lược quản lý nguồn nước ngọt đang ngày càng khan hiếm. Phương thức quản lý cầu về nước sinh hoạt đô thị đã được chứng minh là một phương thức quản lý rất hiệu quả trong bối cảnh nhiều khó khăn trong hoạt động cấp nước sinh hoạt cho đô thị. Theo cách quản lý này, việc quản lý giá nước hợp lý và khung giá nước phù hợp cần tính đúng, tính đủ. Tiếp tục áp dụng mức giá lũy tiến để tăng cường tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nước sạch đô thị.
Việc tăng giá nước cần có lộ trình hợp lý và sự đồng thuận của người tiêu dùng. Việc áp dụng phí nước thải và phí dịch vụ môi trường rừng để thực hiện tính đúng tính đủ. Ngoài ra phải lồng ghép chương trình giáo dục về tiết kiệm nước trong các trường học. Các cơ quan thực hiện các hoạt động này bao gồm: trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo, nhà cung cấp nước, phòng tài nguyên và môi trường. Các chương trình này nên bao gồm các chuyên gia và giáo viên làm người cung cấp kiến thức và kỹ năng về tiết kiệm nước và sử dụng có hiệu quả.
Các chiến dịch tuyên truyền và vận động xã hội về tiết kiệm nước nên là các hoạt động cho phát sóng và các tổ chức xã hội (ví dụ: hội phụ nữ, đoàn thanh niên,...). Bên cạnh việc cung cấp thông tin về tầm quan trọng của nước sạch thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, nên có những hoạt động sáng tạo như các cuộc thi về ý tưởng tiết kiệm nước...
Theo chuyên gia, cần áp dụng "nhãn tiết kiệm nước" cho các thiết bị gia dụng (máy giặt, thiết bị vệ sinh, vòi sen ...) để cung cấp cho người sử dụng thông tin hỗ trợ cho sự lựa chọn của họ…
Hà Nội hiện có 6 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nguồn nước sạch chính bao gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội; Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà; Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông; Công ty Cổ phần Cấp nước Sơn Tây; Nhà máy nước mặt sông Đuống; Nhà máy nước Hà Nam.
Theo Bộ Xây dựng, đến năm 2022, Việt Nam có 750 nhà máy nước sạch ở khu vực đô thị và nông thôn đi vào hoạt động, với tổng công suất 11,2 triệu m3/ngày.
Quy hoạch các nhà máy nước được Bộ Xây dựng quy định tại Thông tư 01/2021/TT-BXD, phù hợp với quy hoạch của từng địa phương trong đó các công ty tư nhân được phép tham gia. Trong khi đó, hệ thống phân phối được quản lý bởi công ty cấp thoát nước và môi trường tỉnh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 28/2: Tiến Sĩ Luật Đặng Anh Quân Vừa Bị Bắt, ĐH Luật TPHCM Quyết Định Tạm Hoãn Hợp Đồng | SKĐS