Hà Nội

Cần có sự quan tâm hơn nữa tới học sinh khuyết tật

18-04-2014 13:57 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Một trẻ khuyết không được học hành, sớm phải lang thang kiếm sống. Có người mẹ sinh con khuyết tật đã táng tận lương tâm, bỏ rơi núm ruột của mình...

Nước ta có 5,3 triệu người khuyết tật ( NKT). Gần 3,5 triệu NKT đang trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ có khoảng 30% đang tham gia lao động, 93% chưa qua đào tạo nghề. Số học sinh khuyết tật (HSKT) khá đông. Nhiều NKT nhưng tâm hồn không khuyết. Họ đã vượt qua hoàn cảnh, vượt lên chính mình để không những tự lo cho bản thân mà còn có đóng góp cho xã hội, giúp nhiều người cùng cảnh ngộ có công ăn việc làm. Có nhiều HSKT đã học và thi đỗ vào các trường đại học, không những học giỏi mà còn hăng say làm từ thiện.

Chúng ta vô cùng khâm phục tấm gương của cô bé Lê Thị Mỹ Hòa (ở thôn Mai Hạ, xã Mai Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình), sinh năm 1996 nhưng đến giờ vẫn mang hình hài đứa trẻ lên 2. Bị bại liệt từ khi mới sinh, Hòa bị liệt 2 chân, 2 tay co quắp, nhưng em luôn tràn ngập niềm tin yêu và nghị lực cuộc sống. Khát khao cháy bỏng của Hòa là được đến trường như bao bạn khác. Và ước mơ của em thành hiện thực. Hòa phải nằm ngửa trên bàn giáo viên để viết. Khổ luyện, em không chỉ viết chữ rất đẹp mà còn đan được khăn, mũ len rất đẹp. Em Phạm Thị Ngọc Ánh, gia đình rất nghèo ở xã Tà Hune, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng là HS khiếm thị bẩm sinh. Mặc dù vậy, em vẫn học giỏi và khát khao cháy bỏng là đến với ánh sáng tri thức để gia đình thoát nghèo. Và còn rất nhiều tấm gương khác nữa.

Chúng ta khâm phục các em về sự khát khao sống và cống hiến bao nhiêu thì lại thấy giận những học trò và bạn trẻ khỏe mạnh, cơ thể bình thường nhưng chỉ vì gặp rắc rối nhỏ đã tự hủy hoại cuộc sống của mình. Thật đáng trách và đáng tiếc!

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và các địa phương đã có nhiều chính sách và việc làm thể hiện sự quan tâm đến NKT và HSKT, giúp nhiều người có cuộc sống ổn định, nhiều gia đình thoát nghèo. Nhiều HSKT được học hành và tạo công ăn việc làm. Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 đã qua một chặng đường, đã "gần hơn" với NKT và trẻ em mồ côi. Nhiều nơi đã tổ chức "Ngày xanh với HSKT", phục hôi chức năng cho NKT...Tuy vậy vẫn còn những điều cần phải bàn để đề án hiệu quả hơn trong từng giai đoạn.

Việc đưa HSKT có điều kiện vào học chung lớp với những HS bình thường là chủ trương rất đúng đắn cả về khoa học và đạo lý. Tuy vậy, NKT và HSKT ở nông thôn, hầu hết thiếu điều kiện sinh hoạt, gần 60% không biết chữ hoặc mới học qua tiểu học. HSKT, trong đó nhiều em là nạn nhân chất độc da cam/dioxin phần lớn gia đình rất nghèo khổ, thiệt thòi cả về vật chất và tinh thần. Nhất là những gia đình có nhiều con bị KT. Nhiều NKT và HSKT còn bị kỳ thị, vẫn chưa được quan tâm đặc biệt và chưa được đánh giá đúng về khả năng đóng góp.

Thật đáng buồn, ở một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến NKT nói chung và HSKT nói riêng. Chính vì vậy, có gia cảnh NKT quá nghèo đói. Một trẻ KT không được học hành, sớm phải lang thang kiếm sống. Có người mẹ sinh con KT đã táng tận lương tâm, bỏ rơi núm ruột của mình...

Em Nguyễn Văn Biên ở Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy viết chữ từ đôi tay không ngón của mình.

Em Nguyễn Văn Biên ở Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy viết chữ từ đôi tay không ngón của mình.

Để NKT nói chung và HSKT nói riêng được bình đẳng thì xã hội, cần đào tạo việc làm phù hợp cho họ. Cần hoàn thiện cơ chế chính sách, giúp HSKT cũng như người KT tự tin hơn, để tất cả HSKT được học hành tiến bộ như những HS bình thường. Đồng thời cần nhìn nhận, đánh giá đúng về người KT . Nhà trường, các thầy cô giáo cần yêu thương và dành sự quan tâm đặc biệt đến HSKT. Đó là trách nhiệm và lương tâm của nhà giáo. Đồng thời coi trọng việc giáo dục lòng nhân ái cho HS với bạn bè nói chung và bạn KT nói riêng. Thường xuyên phát động phong trào giúp đỡ bạn KT, bạn nghèo. Cần cho HSKT vào lớp GVCN có tinh thần trách nhiệm, làm công tác chủ nhiệm tốt, thương yêu HS. Những GV này được bổ trợ kỹ năng quản lý HSKT. Trong chính sách kích cầu, cần dành một phần tiền hỗ trợ thích đáng cho việc đào tạo nghề cho NKT, HSKT. Với HSKT là nạn nhân da cam/dioxin, tăng số tiền trợ cấp hàng tháng, nhất là gia đình có đông con và có sự quan tâm thường xuyên để họ đủ sống ở mức trung bình.

Tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể địa phương, nhất là vai trò của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam và các nhà hảo tâm cần chung tay chăm lo giúp đỡ NKT, HSKT, tạo cho họ có thêm nghị lực và niềm tin vào cuộc sống. Dự án Luật NKT là rất cần thiết để họ được hưởng đầy đủ, bình đẳng các quyền con người, quyền tự do cơ bản mang tính toàn cầu, xây dựng một xã hội không có rào cản. Tình trạng ăn chặn, ăn bớt tiền hỗ trợ người nghèo, NKT đã xảy ra ở một số địa phương trong nhiều năm qua. Cần xử lý nghiêm những kẻ vô nhân đạo này!

Thương yêu, giúp đỡ người nghèo trong đó dành sự quan tâm sâu sắc tới NKT và HSKT bằng những hành động thiết thực là trách nhiệm của toàn xã hội. Đó là truyền thống cao đẹp “Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta.

 

 


Ý kiến của bạn