Bài 2: Vì sao các y, bác sĩ chưa được truy tặng bất cứ danh hiệu nào?
Trong số báo 127 ra ngày 10/8, báo Sức khỏe & Đời sống đã có bài viết “Cần có sự công bằng cho những người ngã xuống vì dịch SARS: Mất mát trong cuộc chiến không tiếng súng” phản ánh về sự hy sinh “lặng lẽ” của những y, bác sĩ đã hy sinh trong dịch SARS năm 2003. Lặng lẽ là bởi, họ vẫn chưa được chính thức truy tặng một danh hiệu nào tương xứng như những gì họ đã cống hiến. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với những người trong cuộc và cơ quan chức năng để tìm hiểu thêm về vấn đề trên...
Các bác sĩ điều trị bệnh nhân mắc SARS luôn đối mặt với nguy hiểm rình rập. Ảnh: TL
Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống, ông Võ Văn Bản, Phó Tổng giám đốc Bệnh viện Việt - Pháp Hà Nội cho biết, Bệnh viện Việt - Pháp là nơi đầu tiên có bệnh nhân nhiễm SARS vào khám, điều trị và cũng là bệnh viện đầu tiên, duy nhất có các y, bác sĩ hy sinh trong chiến dịch chống SARS. Trong dịch SARS năm 2003, thống kê của cả nước có 44 người bị nhiễm bệnh. Trong đó có 39 bệnh nhân và nhân viên của Bệnh viện Việt Pháp bị mắc bệnh (36 người là các y, bác sĩ của bệnh viện), đã có 6 y, bác sĩ của bệnh viện tử vong trong chiến dịch chống SARS (1 bác sĩ mất ở Pháp). Duy chỉ có công lao của BS. Carlo Urbani, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã được thế giới ghi nhận.
Ông Bản xác nhận, tới thời điểm này, các y bác sĩ trên vẫn chưa được nhận bất cứ danh hiệu nào. Họ chỉ mới được nhận tiền tuất như quy định của Nhà nước.
Tuy nhiên, phía Bệnh viện Việt Pháp đã mua bảo hiểm tai nạn lao động cho toàn bộ nhân viên, nên hãng bảo hiểm đã thanh toán cho những người tử vong vì dịch SARS và số tiền này đã chuyển tới từng gia đình ngay trong năm 2003. Ông Bản đề xuất, những y bác sĩ của bệnh viện xứng đáng được trao tặng danh hiệu liệt sĩ. Bệnh viện sẵn sàng và sẽ làm công văn đề nghị Bộ Y tế truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho các y, bác sĩ này. Theo ông Bản, đây không phải là một sự đòi hỏi quyền lợi, mà là lẽ công bằng đối với lịch sử chúng ta nên làm. Việc phong tặng danh hiệu liệt sĩ cho những y, bác sĩ trong chiến dịch chống SARS có ý nghĩa nhân văn lớn, thể hiện sự công bằng nói chung trong xã hội và đồng thời cũng là sự động viên tinh thần, là động lực đối với đội ngũ y, bác sĩ ngành y nói chung trong những cuộc chiến chống bệnh dịch đầy khó khăn sẽ xảy ra trong tương lai.
Về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn, lúc thời điểm xảy ra dịch SARS đang là Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, từ khi ngành y tế Việt Nam thành lập và phát triển đến nay đã trên 60 năm, kể cả trong chiến tranh cũng như trong thời bình thiên tai, dịch bệnh, nhiều gương cán bộ y tế quên mình hy sinh để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân đã được ghi trong sử sách.
Tuy nhiên, vấn đề phong tặng danh hiệu cho những cán bộ y tế ở các tuyến từ Trung ương đến xã phường, đặc biệt là hệ thống y tế tư nhân trước những năm 2008 đã được quan tâm nhưng chưa đầy đủ. Vụ dịch SARS năm 2003 là một ví dụ cụ thể, nguyên nhân chính của các vấn đề trên là trước năm 2008 chưa có luật pháp quy định cụ thể cho vấn đề phong tặng này đối với đội ngũ cán bộ y tế dân sự. Đến ngày 21/11/2007, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XII, Kỳ họp thứ 2 đã thông qua Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Luật có hiệu lực từ 1/7/2008, trong đó, tại Điều 59 về chế độ đối với người làm công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm và người tham gia chống dịch; Khoản 3 có nêu: “Trong quá trình chống dịch, khi người tham gia chống dịch dũng cảm cứu người mà bị chết hoặc bị thương thì được xem xét để công nhận là liệt sĩ hoặc thương binh, hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng”.
Như vậy, việc đề nghị công nhận các danh hiệu cũng như hưởng chế độ chính sách như luật quy định phụ thuộc vào từng trường hợp và được đơn vị xem xét để đề nghị lên trên xét duyệt trình tự theo thủ tục quy định của pháp luật mới bắt đầu từ 2008 đến nay.
Trao đổi với các cơ quan liên quan, chúng tôi được biết chưa có đề nghị hoặc đơn thư nào từ phía Bệnh viện Việt - Pháp về việc truy tặng danh hiệu cũng như các chế độ cho các y bác sĩ đã hy sinh trong chiến dịch chống SARS. Đây là điều cần thực hiện sớm để tránh thiệt thòi cho những người đã ngã xuống vì sức khỏe cộng đồng.
Nhóm PVTS