Trong công văn gửi Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Lê Quang Cường ký, Bộ Y tế cho biết, thực tế hiện nay có nhiều cơ sở đào tạo cả trong và ngoài công lập, kể cả các trường đào tạo đa ngành cũng tham gia đào tạo nhân lực y tế, trong khi đó việc thẩm định mở ngành đào tạo nhân lực y tế không có sự tham gia về chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế nên sẽ khó đảm bảo chất lượng. Qua khảo sát của Bộ Y tế, có nhiều đơn vị không đảm bảo năng lực. Chính vì vậy, Bộ Y tế đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo cần có quy định chặt chẽ khi mở ngành đào tạo nhân lực y tế trong đó việc thẩm định cần có sự tham gia về chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Cần đảm bảo chất lượng nhân lực ngành y tế. Ảnh: TM |
Về công tác tuyển sinh, theo Bộ Y tế, mới đây, Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH y dược Việt Nam đã họp và phản ánh việc nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh số lượng khá lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế. Điều này dẫn đến điểm tuyển sinh vào các trường ngoài công lập rất thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Do đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, chỉ đạo việc giao chỉ tiêu đào tạo nhân lực y tế cho các cơ sở đào tạo ngoài công lập cần căn cứ vào cả tiêu chí năng lực chuyên môn và cơ sở thực hành. Điều này sẽ giúp đảm bảo công bằng trong tuyển sinh và đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế.
Bộ Y tế cũng cho biết, theo báo cáo của Sở Y tế các địa phương, qua kỳ tuyển dụng, nhân lực y tế trình độ trung cấp ra trường khá nhiều (dược, điều dưỡng, y sĩ) trong khi khả năng tuyển dụng của các cơ sở y tế có hạn. Trong thời gian qua, có nhiều cơ sở đào tạo tham gia đào tạo nhân lực y tế trình độ trung cấp các loại hình trên kể cả các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đóng trên địa bản các tỉnh, thành phố. Do vậy, Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ GD&ĐT khuyến cáo tình trạng thừa nhân lực đối với các ngành (dược, điều dưỡng, y sĩ) để các thí sinh có định hướng khi chọn ngành học và đồng thời có giải pháp hạn chế tuyển sinh đối với các ngành này.
Thái Bình