Cần có một tình yêu nghề thật lớn

12-05-2017 10:08 | Y tế
google news

SKĐS - Đã đến tuổi phải hướng nghiệp cho con rồi. Nó thương yêu ông bà, cha mẹ, cũng bắt đầu biết tự phục vụ bản thân và tiết kiệm cho gia đình.

Đã đến tuổi phải hướng nghiệp cho con rồi. Nó thương yêu ông bà, cha mẹ, cũng bắt đầu biết tự phục vụ bản thân và tiết kiệm cho gia đình. Cậu luôn tự xác định nhà mình thuộc kinh tế xoàng xoàng, không đòi hỏi nhiều, đi xe đạp, giản dị và thật thà đến mức ngây ngô. Lúc thân tình, chỉ có cha con với nhau, tôi thử thăm dò: “Con có muốn làm bác sĩ không?”, nó thẽ thọt: “Con thích làm doanh nhân cho thật giàu… mấy lại con không thi được vào trường y đâu”. Tôi bật cười vì lý do rất thật và ngô nghê của nó. Ngẫm ra thì đúng quá rồi. Dù mới đang học lớp 9 nhưng nó đã biết: ngành y không thể làm giàu, rất nhiều người cũng đồng tình như vậy. Cậu học không đủ giỏi để thi đỗ vào trường y, và thêm một vài điều nữa: làm bác sĩ cần phải có một trái tim nhân hậu, có tinh thần học tập suốt đời... Đây là những điều cần nhất để làm nghề y. Chẳng biết cu cậu khi lớn thêm có thay đổi chí hướng nghiệp hay không nhưng cầm chắc gia đình ba đời làm nghề y của tôi không thể kéo dài sang đời thứ tư.

Làm nghề y cần có tình yêu thật lớn.

Làm nghề y cần có tình yêu thật lớn.

Tại sao ngành y cần một tình yêu lớn thế. Yêu bệnh viện, yêu đồng nghiệp, yêu bệnh nhân…Khác với những thứ tình cảm khác phải có thời gian cọ xát để nảy sinh, phải có trao và nhận thì tình yêu của người cán bộ y tế có vẻ nghiệt ngã và một chiều, có khi ta gọi là sự hy sinh hay hiến dâng. Bạn phải yêu những người không quen biết, những cụ bà răng đen tai kém chứ không phải là những người đẹp thơm mùi nước hoa. Khi thăm khám chúng ta phải cúi xuống và hít thở thứ mùi pha tạp của mồ hôi, nước hoa, chất dịch, máu me, chất thải… tất cả những thứ của con người nhưng quánh lại và đậm đặc, như trong phòng khám chật chội những ngày hè. Chúng ta phải nhẹ nhàng, kiên nhẫn giao tiếp, giải thích cho dù lòng vẫn nặng trịch nỗi buồn vì một người thân sắp mất hay trong lòng đang có sự muộn phiền nào đó. Hãy yêu thương con người để có thể trở thành bác sĩ tốt, cho dù vất vả hay hi sinh đến mấy. Những lúc gần gục ngã vì mệt mỏi, đau khổ hay thất vọng, lúc cáu giận đỉnh điểm, tôi thường tự nhủ mình như vậy để bước tiếp. Và chắc cũng vì vậy robot hay trí thông minh nhân tạo không thể trở thành bác sĩ. Chỉ có tương tác giữa người và người với tình thân đồng loại mới giải quyết được đau đớn, bệnh tật.

Làm ngành y là phải chấp nhận một cuộc sống giản dị, thu nhập trung bình kém? Thời buổi đã đổi thay theo công cuộc “đổi mới” rồi đến “cơ chế thị trường”. Thời của bố tôi - những bác sĩ đi Algeri, đi Angola hay Pháp giàu hơn những ai ở nhà. Ngày nay, những ai có phòng mạch, tham gia buôn bất động sản sẽ giàu hơn những người sáng đến, chiều về như tôi. Thế là mừng rồi, cán bộ y tế chúng ta có cửa để kiếm thêm chút đỉnh. Sau 8 giờ ở cơ quan lại phải “bất động” thêm 3-4 giờ phòng mạch, bữa cơm tối lùi tới 21 giờ, còn đâu thời gian chăm lo học hành của con, đọc sách của mình… Còn bao nhiêu thanh tra, kiểm tra, tai biến, kiện tụng nữa khiến cho những ông chủ phòng mạch phải bơ phờ... Những ai làm phòng mạch phải có sức khỏe tốt, quan hệ xã hội trên mức trung bình, năng động và chăm chỉ. Xem ra tôi bị thiếu vài tiêu chí. Con trai tôi đã đúng khi kết luận là bố nó không giàu, ít ra là chưa thể làm giàu… Không sao, lớn lên tôi sẽ nói để các con rõ hơn. Rằng lao động để được trả công phù hợp và sáng tạo của cải trên bệnh nhân có ranh giới rất gần với nhau. Do vậy phải khó khăn lắm, tỉnh táo lắm mới theo được việc “làm thêm” của nhân viên y tế mà không vi phạm hay phạm pháp.

Ngày nghỉ lễ Lao động 1/5 đã hết. Khắp nơi tuần hành, míttinh đòi quyền lợi của người lao động. Ít người biết là khác với dây chuyền nhà máy hay xưởng lắp ráp, những “áo trắng” không thể xuống đường. Bởi tình yêu nghề, lòng tự trọng vẫn níu chân họ trước thu nhập chưa tương xứng hay cơ hội làm giàu. Đồng lương không thể tính trên sinh mạng một người. Sự chăm sóc đầy tình người, mồ hôi và có khi cả máu của chúng ta suốt mấy chục năm của học và làm chẳng biết tính ra tiền là bao nhiêu cho đủ. Chỉ mong đến lúc nào đó công bằng sẽ được đạt tới, xã hội mở mang và bao dung hơn với nghề y.


BS. Hoàng Cương
Ý kiến của bạn