“Cần có một bộ luật về chống bạo hành nhân viên y tế”

TS.BS. Võ Xuân Sơn

TS.BS. Võ Xuân Sơn

11-01-2016 16:55 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Trong bối cảnh liên tiếp có những vụ bạo hành nhân viên y tế gây bức xúc trong dư luận, TS. Võ Xuân Sơn cùng một nhóm bác sĩ đã lập trang web và fanpage chống bạo hành y tế.

Trong bối cảnh liên tiếp có những vụ bạo hành nhân viên y tế gây bức xúc trong dư luận, TS. Võ Xuân Sơn cùng một nhóm bác sĩ đã lập trang web và fanpage chống bạo hành y tế. Phóng viên báo SK&ĐS có cuộc trao đổi với TS. Võ Xuân Sơn về vấn đề này.

TS. Võ Xuân Sơn

PV: Được biết ông và một nhóm bác sĩ vừa lập trang web và fanpage chống bạo hành y tế. Mục đích dài hơi của việc này là gì thưa ông, ông tiên lượng mức độ thành công của dự án này như thế nào?

TS. Võ Xuân Sơn: Mục đích chính của trang web và fanpage là khuấy động phong trào chống bạo hành nhân viên y tế, cung cấp thông tin, phân tích nguyên nhân, tạo ra một kiến nghị về việc phải có các quy định pháp luật để chống nạn bạo hành nhân viên y tế, tạo môi trường an toàn cho nhân viên y tế phục vụ. Sau khi đã có phong trào thì sẽ phải nhờ vào hệ thống truyền thông và các cơ quan quản lý để đi các bước tiếp theo. Mục đích lâu dài của chương trình chống bạo hành nhân viên y tế là có được một bộ luật về chống bạo hành nhân viên y tế, hoặc bổ sung các điều khoản tương tự vào Bộ luật Khám chữa bệnh, đồng thời, thông qua và hoàn thiện một bộ hướng dẫn có tính bắt buộc đối với các cơ sở y tế về đề phòng và xử lý các tình huống bạo hành nhân viên y tế.

Giao diện website chống bạo hành trong ngành y.

PV: Ông có thể chia sẻ các bước triển khai tiếp theo là gì, ông mong muốn những ai cùng tham gia cũng như lộ trình nào để ý tưởng tốt đẹp của ông có thể thu được kết quả?

TS. Võ Xuân Sơn: Thực ra, ban đầu tôi dự định đánh thức sự mạnh dạn tố cáo của nhân viên y tế trước, sau đó tiến lên một bước đánh động dư luận, rồi mới đến việc gửi kiến nghị. Lúc đó, hy vọng sẽ có việc cho phép thành lập các công đoàn độc lập (theo tôi biết một trong các tiêu chuẩn tham gia TPP là cho phép thành lập công đoàn độc lập) thì sẽ thành lập một tổ chức của nhân viên y tế, đấu tranh cho việc này.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, nếu được một tờ báo hoặc một cơ quan nhà nước ủng hộ sẽ là tốt nhất. Tôi rất mong cơ quan ấy là Bộ Y tế. Như vậy, việc đề xuất, soạn thảo dự thảo luật chống bạo hành nhân viên y tế, đưa ra các hướng dẫn về an toàn có tính chất bắt buộc, đồng thời phối hợp với Bộ Công an đưa ra các quy trình bảo vệ các bệnh viện và nhân viên y tế, sẽ gặp rất nhiều thuận lợi.

Trang fanpage chống bạo hành trong y tế.

PV: Trên thực tế, rất nhiều bộ luật đã ban hành nhưng việc tuân thủ và thực thi lại là một chuyện khác. Theo ông, cần có những biện pháp cụ thể, thực tế nào để thực sự ngăn chặn được bạo hành y tế?

TS. Võ Xuân Sơn: Về cơ bản, biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là hoàn thiện các quy trình y tế, giảm quá tải, phát triển kỹ năng giao tiếp của nhân viên y tế, nâng cao tỷ lệ hài lòng trong người bệnh cũng như tỷ lệ hài lòng của nhân viên y tế, cải thiện tích cực mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân. Song song đó, phải có các biện pháp, chế tài đủ mạnh để ngăn cản hiện tượng đối xử vô văn hóa của một bộ phận người bệnh và thân nhân đối với nhân viên y tế, ngăn cản những hành vi bạo hành nhân viên y tế, kể cả việc kích động dư luận, thông tin sai sự thật, thiếu căn cứ. Tuy nhiên, để đạt được điều này còn phải làm rất nhiều việc và phải có nhiều thời gian.

Trước mắt, một mặt, cơ quan quản lý y tế cần xử lý nghiêm khắc bất cứ nhân viên y tế nào có hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh người bệnh. Mặt khác, cơ sở y tế phải được phép áp dụng các biện pháp phòng ngừa đặc biệt đối với những đối tượng say rượu, say ma túy, có hung khí, có hành vi thể hiện nguy cơ gây rối loạn trật tự trong bệnh viện. Song song đó, cho phép việc ghi nhận và thông báo những đối tượng đã bạo hành nhân viên y tế, đồng thời cơ sở y tế và nhân viên y tế phải có quyền từ chối khám chữa bệnh không cấp cứu nếu có bằng chứng về sự đe dọa an toàn cho cơ sở y tế hoặc cho nhân viên y tế.

Ngoài ra, cần phải có sự nhiệt tình phối hợp của lực lượng công an trong việc bảo đảm trật tự an ninh trong các bệnh viện, nhất là bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế.

PV: Ngày 26/9/2013, Bộ Công an và Bộ Y tế đã tổ chức Lễ ký Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế. Theo ông, trước mắt, có nên lập đường dây nóng với công an sở tại để thông báo các vụ bạo hành y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh?

TS. Võ Xuân Sơn: Như vậy, rõ ràng là Bộ Y tế đã đi trước một bước trong việc này. Vậy thì chúng ta chỉ còn có việc tận dụng quy chế đó. Tôi thấy việc lập đường dây nóng với bên công an báo tin về bạo hành là việc rấtcần thiết và trong tầm tay của Bộ Y tế, rất nên làm. Tôi cũng mong muốn Bộ Y tế hãy vào cuộc để làm an lòng nhân viên y tế, đồngthời, làm cho các đối tượng bạo hành phải chùn tay.

PV: Về lâu dài, theo ông, việc thành lập công đoàn độc lập có thực sự khả thi, bởi rất nhiều tổ chức ra đời nhưng chỉ mang tính hình thức? Công đoàn sẽ tham gia hỗ trợ bảo vệ nhân viên y tế ra sao, ông có thể cho biết cụ thể?

TS. Võ Xuân Sơn: Hiện nay, quyền lợi của những lãnh đạo công đoàn không gắnliền với quyền lợi của các thành viên, họ ăn lương của giới chủ, hoặc lương ngân sách, việc đề cử và bầu ra các chức danh cũng chưa thực sự dân chủ. Do vậy, sẽ không khó hiểu khi họ không nhiệt tình đấu tranh, dẫn đến sự tồn tại của tổ chức đôi khi chỉ mang tính hình thức. Nếu có một công đoàn thật sự do nhân viên y tế thành lập, bầu ra những người lãnh đạo và trả lương cho họ, nhất định họ sẽ phải đấu tranh vì quyền lợi của các thành viên, nếu họ đi chệch hướng, nếu họ hoạt động không hiệu quả, họ sẽ bị phế truất. Khi có một tổ chức như vậy, tổ chức đó sẽ có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc các cơ sở y tế thực hiện các biện pháp phòng ngừa bạo hành nhân viên y tế, có biện pháp pháp lý đối với các cơ sở y tế cố tình không thực hiện các biệnn pháp phòng ngừa bạo hành nhân viên y tế. Đồng thời, tổ chức đó sẽ thay mặt những nhân viên y tế bị bạo hành cùng với luật sư của tổ chức, kiện những kẻ bạo hành ra tòa, thậm chí, nếu lãnh đạo hay chủ cơ sở y tế, kể cả công an, nếu không làm đúng bổn phận của mình, để xảy ra thiệt hại nghiêm trọng, cũng sẽ bị kiện ra tòa.

PV: Với tư cách là một người trực tiếp khám chữa bệnh, ông có đề xuất gì cho việc bảo vệ nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh?

TS. Võ Xuân Sơn: Đầu tiên, lãnh đạo các cơ sở y tế cần xác định vai trò cung cấp dịch vụ y tế của cơ sở mình, theo đó, bệnh nhân là khách hàng, nhân viên y tế là khách hàng nội bộ, cả hai đối tượng đó đều cần phải được hài lòng. Tiếp theo là liên tục đánh giá và hoàn thiện các quy trình, vừa hạn chế sai sót, vừa bảo đảm công bằng, minh bạch các tiêu chuẩn ưu tiên, hạn chế tối đa các xung đột quyền lợi giữa bệnh nhân với nhau, giữa bệnh nhân và nhân viên y tế. Tiếp nữa là xây dựng đội ngũ chăm sóc khách hàng có kỹ năng xử lý tình huống tốt, ngăn cản mọi xung đột phát triển. Nâng cao khả năng cảnh báo nguy cơ cho lực lượng bảo vệ và các nhân viên khác. Xây dựng các kế hoạch ứng phó với sự cố xung đột, bảo đảm hạn chế thiệt hại. Sau đó là phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an tại địa phương, vừa để kịp thời thông báo sự cố, vừa có kế hoạch hạn chế thương vong, kịp thời khống chế đối tượng khi có hành vi nguy hiểm. Sau cùng, lãnh đạo cơ sở và lãnh đạo cấp trên cần thể hiện sự cương quyết xử lý các đối tượng bạo hành nhân viên y tế, bảo vệ nhân viên y tế để nhân viên y tế có thể an tâm phục vụ. Tương tự vậy, kiên quyết xử lý những nhân viên y tế thoái hóa, biến chất để bảo vệ người bệnh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


YẾN CHÂU (thực hiện)
Ý kiến của bạn