Nhức nhối vấn nạn tảo hôn
Mới chỉ 22 tuổi, nhưng M.T.M. bản Kèo Cơn, xã biên giới Keng Đu, huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) đã có ba người con.
Qua tìm hiểu được biết, do hoàn cảnh khó khăn nên em M.T.M. đã không học hết phổ thông và lấy chồng từ năm 14 tuổi. Chồng em không phải là người Việt Nam mà là người nước ngoài. Do không có việc làm, nên em đã nghe theo lời người khác ra nước ngoài lấy chồng, đến nay em một mình trở về quê, con ở lại với chồng.
Trường hợp lấy chồng sớm như em M trên địa bàn bản Kèo Cơn đã có 4 người. Các em đều lấy chồng từ tuổi 14-15, độ tuổi đang còn ngồi trên ghế nhà trường, và đa phần là hộ nghèo nên các em đã sớm làm mẹ khi thể chất chưa phát triển hoàn thiện.
Bản Kèo Cơn, xã biên giới Keng Đu (Kỳ Sơn) có 107 hộ, chủ yếu là đồng bào Khơ Mú sinh sống, đời sống người dân đang còn gặp nhiều khó khăn, số hộ nghèo chiếm đến 70% nên vẫn còn hủ tục lạc hậu trong hôn nhân.
Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, trong năm 2022, toàn tỉnh có 137 cặp vợ chồng lập gia đình khi chưa đến tuổi kết hôn. Con số này có chiều hướng gia tăng hơn năm trước (năm 2021 toàn tỉnh Nghệ An có 108 cặp tảo hôn và 3 cặp hôn nhân cận huyết thống).
Cũng theo cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ảnh hưởng từ những quan niệm, phong tục, tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới. Các gia đình ép con lấy vợ, lấy chồng khi đang độ tuổi thanh thiếu niên (từ 15 - 16 tuổi) để phụ giúp gia đình và thêm lao động làm nương rẫy, lo cuộc sống hàng ngày…
Bên cạnh đó còn có sự tác động của mạng xã hội mang nội nội dung xấu, sự du nhập của văn hóa ngoại lai đã ảnh hưởng trực tiếp đến lứa tuổi vị thành niên, dẫn đến những trường hợp mang thai ngoài ý muốn, phải nghỉ học lấy chồng.
Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế do rào cản về ngôn ngữ, trình độ dân trí thấp… dẫn đến hiệu quả không cao. Sự can thiệp, xử phạt vi phạm hành chính từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn có lúc thiếu kiên quyết; các chính sách, pháp luật về vấn đề hôn nhân và gia đình chưa được triển khai thực hiện hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các bậc làm cha, làm mẹ chưa quan tâm đúng mức, nhiều gia đình buông lỏng trong quản lý con cái…
Góp phần đẩy lùi hủ tục tảo hôn
Thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn biên giới, các đồn Biên phòng của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An đã phối hợp cấp ủy, chính quyền cùng các đoàn thể ở địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống hủ tục tảo hôn cũng như hôn nhân cận huyết thống.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật Hôn nhân và Gia đình với các hình thức đa dạng như: tuyên truyền lưu động, qua hệ thống truyền thanh, phát tờ gấp, tờ rơi kết hợp tuyên truyền cụ thể đến từng nhà, từng trường hợp để nâng cao nhận thức cho người dân.
Trung tá Nguyễn Hữu Tài, Phó Đồn trưởng đồn biên phòng Keng Đu (BĐBP Nghệ An) cho biết, để nâng cao nhận thức cho người dân, Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị đã xây dựng kế hoạch cụ thể, đề ra các biện pháp tuyên truyền sâu rộng như: phát các tờ rơi, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt tuyên truyền phổ biến pháp luật của các bản; phối hợp các nhà trường tuyên truyền đối với các em học sinh.
Ngoài ra, Đồn còn cử các đồng chí am hiểu phong tục tập quán, thông thạo tiếng địa phương, phối hợp các già làng, trưởng bản, người có uy tín tổ chức tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức và kết hợp cả ngôn ngữ của đồng bào.
Phát huy vai trò của cán bộ Biên phòng tăng cường giữ chức danh phó Bí thư Đảng ủy xã biên giới và đảng viên biên phòng tham gia sinh hoạt tại các thôn, bản đã tham mưu, tổ chức thực hiện các hương ước, quy ước của thôn bản; đồng thời, phát huy tính tự quản của dòng họ trong tuyên truyền, vận động đồng bào để nâng cao nhận thức, hiểu biết về phòng, chống tảo hôn, chống vi phạm pháp luật đối với đồng bào.
Cùng với đó, Đồn Biên phòng đã phối hợp địa phương, các tổ chức, các nhà hảo tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; hỗ trợ người nghèo, người yếu thế trên địa bàn để qua đó, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi hủ tục tảo hôn cũng như hôn nhân cận huyết thống.
"Trước đây tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra, nhưng những năm gần đây, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương cùng Đồn Biên phòng Keng Đu và các lực lượng khác đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên tình trạng này đã giảm hẳn. Cũng qua hoạt động tuyên truyền, tình trạng phụ nữ bị lừa bán ra nước ngoài lấy chồng đã không còn, bà con đã nâng cao cảnh giác để không bị các đối tượng lừa gạt". Già làng Xeo Phò Thoong My (bản Kèo Cơn, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn) cho biết.
Để phù hợp với địa bàn, thành phần dân tộc và điều kiện thực tế, ngoài các hình thức phổ biến như: tuyên truyền tập trung, qua loa truyền thanh, tờ rơi, tờ gấp, xã và đồn biên phòng cũng đã triển khai tuyên truyền đến tận các bản bằng hình thức tiếng loa di động, bằng tiếng địa phương.
Để giúp địa phương ngăn ngừa, xóa bỏ các hủ tục, cũng như Keng Đu, các Đồn Biên phòng khác ở vùng núi rẻo cao, vùng biên giới Nghệ An đã thành lập tổ công tác, phối hợp chính quyền, hội phụ nữ xã, phát huy vai trò già làng, trưởng bản đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật.
Trong các buổi sinh hoạt thôn bản, ngoài thông tin về bảo vệ chủ quyền biên giới, BĐBP còn phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, giải thích để bà con hiểu tác hại do hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra...
Trong công tác vận động bà con thực hiện nếp sống văn hóa, tích cực đưa trẻ em đến trường, các Đồn Biên phòng đã đặc biệt chú trọng đến công tác phối hợp các trường học tổ chức giáo dục pháp luật, nói chuyện hôn nhân gia đình cho học sinh, vì đây là nạn nhân của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho hay: "Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, chúng tôi cũng đề cao tinh thần trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc đẩy lùi nạn tảo hôn. Đồng thời cũng có phương pháp xử lý cán bộ, đảng viên để con em, người thân kết hôn khi chưa đủ tuổi pháp luật quy định".
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các địa phương, của BĐBP cùng các lực lượng khác đã, đang đưa ra các giải pháp căn cơ, lâu dài, quyết tâm đẩy lùi vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết trên địa bàn các xã rẻo cao biên giới Nghệ An.
Tuy nhiên, muốn xóa bỏ hoàn toàn hủ tục này, chính quyền các địa phương của tỉnh Nghệ An cần tiếp tục có những giải pháp nâng cao đời sống kinh tế, trình độ văn hóa và hiểu biết pháp luật của người dân với các hình thức đa dạng, linh hoạt, nhằm giúp đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao biên giới từ bỏ các hủ tục, thay đổi nhận thức, tư duy cũ về kết hôn sớm, xử lý nghiêm những người vi phạm để tăng sự răn đe của pháp luật nhằm giảm thiểu số người tảo hôn tại Nghệ An.