Cần có chính sách hỗ trợ để bảo tồn phát triển nguồn gen dược liệu

29-08-2024 20:57 | Thời sự
google news

SKĐS - Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến, việc nghiên cứu, phát triển nguồn gen dược liệu là một hoạt động chuyên sâu, đòi hỏi đầu tư bài bản và dài hạn để bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu. Đây là một nhiệm vụ đặc thù, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp.

Chiều 29/8, tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 6, các Đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến, góp ý nhiều nội dung liên quan dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược so với Luật Dược năm 2016 có nhiều điểm mới, trong đó sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược nhằm bổ sung các chính sách phù hợp, mang tính đột phá hơn so với Luật Dược 2016 để thu hút đầu tư và thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu phát triển sản xuất nguyên liệu làm thuốc; nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học, chuyên khoa đặc trị; đặc biệt là nghiên cứu.

Cần có chính sách hỗ trợ để bảo tồn phát triển nguồn gen dược liệu- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Hội nghị.

Trong đó, hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc hiếm, thuốc phòng, chống bệnh xã hội, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu Việt Nam mang thương hiệu quốc gia; hoạt động nghiên cứu khoa học về phát triển công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới; hoạt động nghiên cứu, sản xuất thuốc mới từ nguồn dược liệu đặc hữu trong nước; hoạt động bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm đặc hữu trong nước, hoạt động nghiên cứu tạo giống mới từ nguồn gen dược liệu trong nước và di thực, có giá trị kinh tế cao.

Về vấn đề chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp dược, tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đề nghị xem xét kỹ hơn điểm b khoản 1 Điều 8. Cụ thể, nội dung liên quan đến việc nuôi trồng dược liệu và nghiên cứu, phát triển nguồn gen dược liệu nên được tách thành hai nội dung riêng biệt.

Cần có chính sách hỗ trợ để bảo tồn phát triển nguồn gen dược liệu- Ảnh 2.

Đại biểu Nguuyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Cụ thể, theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, việc nghiên cứu, phát triển nguồn gen dược liệu là một hoạt động chuyên sâu, đòi hỏi đầu tư bài bản và dài hạn để bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu. Đây là một nhiệm vụ đặc thù, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp. Trong khi đó, việc nuôi trồng dược liệu là một hoạt động sản xuất, nhằm cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp dược. Hoạt động này có thể được khuyến khích tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để phát triển kinh tế địa phương và đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị xem xét lại quy định về đối tượng vùng áp dụng chính sách ưu đãi. Việc tập trung vào các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể dẫn đến tình trạng thiếu đối tượng áp dụng trong tương lai. Thay vào đó, nên mở rộng đối tượng áp dụng sang các cụm miền núi, vùng biên giới, hải đảo để phù hợp với tinh thần Hiến pháp và tạo điều kiện phát triển đồng đều cho các vùng miền.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, đây là một luật khó, có tính chuyên ngành cao, tuy nhiên với tinh thần chủ động từ sớm, từ xa và phối hợp rất chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra, cho đến thời điểm này, nội dung của dự thảo Luật cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau Hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại nghị chuyên trách hôm nay để hoàn chỉnh hồ sơ, lấy ý kiến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan có liên quan và gửi hồ sơ dự án luật lấy ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 8.

Theo Bộ Y tế, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược nếu được thông qua sẽ giải quyết được căn cơ những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về dược, giúp cho ngành dược tiếp tục phát triển mạnh mẽ cũng như công tác đảm bảo cung ứng kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá cả hợp lý cho người dân trong thời gian tới.


Nguyễn Anh
Ý kiến của bạn