Hà Nội

Cần có cái nhìn đúng về ngộ độc thuốc tê và sốc phản vệ

21-12-2020 16:35 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Nhận thấy cộng đồng BS Y Khoa nói chung và BS Nha khoa nói riêng, đặc biệt là đội ngũ nhân viên y tế đang sử dụng thuốc tê trong công việc hàng ngày vẫn còn có những ngộ nhận nguy hiểm giữa ngộ độc thuốc tê và sốc phản vệ, Khoa Răng hàm Mặt Trường Đại Học Văn Lang phối hợp với Trung Tâm Giải Pháp Y Khoa MESI tổ chức Hội thảo Chẩn đoán và xử trí Ngộ độc thuốc tê. Chương trình được tổ chức với mong muốn cung cấp cho các cán bộ, nhân viên y tế cái nhìn đúng về ngộ độc thuốc tê và sốc phản vệ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS.BS Trần Ngọc Quảng Phi – Trưởng khoa Răng Hàm Mặt Trường Đại Học Văn Lang - Trưởng ban tổ chức chương trình đã nêu lên tầm quan trọng của việc chẩn đoán và xử trí ngộ độc thuốc tê, đồng thời nhấn mạnh việc ngộ nhận các biến cố xảy ra khi sử dụng thuốc tê với sốc phản vệ là nguyên nhân dẫn tới cách xử lý nhầm lẫn, gây nên những hậu quả vô cùng đáng tiếc.

TS.BS Trần Ngọc Quảng Phi – Trưởng khoa Răng Hàm Mặt Trường Đại học Văn Lang

Dưới sự dẫn dắt của Báo cáo viên Ths.BS Nguyễn Anh Tuấn – Nguyên Bác sĩ Gây mê Hồi sức Bệnh viện Đại học Y Dược Tp Hồ Chí Minh, Giảng viên Thỉnh giảng khoa Răng Hàm Mặt Đại học Văn Lang những vấn đề liên quan đến chẩn đoán, xử trí và cách dự phòng ngộ độc thuốc tê đã được trình bày rõ ràng, cụ thể.

Sử dụng thuốc tê sẽ an toàn nếu Bác sĩ lâm sàng tôn trọng nguyên tắc gây tê

Trong phần trình bày của mình, BS Nguyễn Anh Tuấn cho biết hầu hết các trường hợp sử dụng thuốc tê đều an toàn nếu như người thầy thuốc tôn trọng những nguyên tắc gây tê, ví dụ như tôn trọng về liều lượng, kỹ thuật gây tê đúng, có tính đến cơ địa người bệnh. Khi không tôn trọng những nguyên tắc này, nguy cơ ngộ độc thuốc tê có thể xảy ra.

Bác sĩ Tuấn cũng cho biết thêm, nguy cơ ngộ độc thuốc tê sẽ cao hơn khi dùng thuốc tê ở vùng có nhiều mạch máu nuôi dưỡng như đầu mặt cổ, khoang miệng, niêm mạc, cơ quan sinh dục. Những người có thể trạng gầy, suy dinh dưỡng, mắc các bệnh suy gan, thận, tim, trẻ em, người già là những người có cơ địa dễ ngộ độc thuốc tê.

Đặc biệt, có một số người có cơ địa nhạy cảm với thuốc tê nên dù có dùng liều thấp, khả năng ngộ độc thuốc tê vẫn có thể xảy ra. Việc thực hiện gây tê bởi những người không được đào tạo chuyên về gây mê hồi sức cũng là một yếu tố nguy cơ cao gây ra ngộ độc thuốc tê.

 Ths.BS Nguyễn Anh Tuấn – Báo cáo viên của Hội Thảo

Xin đừng hiểu lầm biến chứng ngộ độc thuốc tê là sốc phản vệ

Bác sĩ Anh Tuấn nhấn mạnh: “Một lần nữa tôi mong các bạn đừng coi tất cả những biến chứng xảy ra khi sử dụng thuốc tê là do sốc phản vệ”. Viêc lúng túng trong chẩn đoán hay nghi ngờ do sốc phản vệ chỉ làm mất thời gian vàng sử dụng Lipid 20% và có thể dẫn đến kết cục xấu cho bệnh nhân. Đã có rất nhiều trường hợp bác sĩ rơi vào chiếc bẫy “sốc phản vệ” này khi xử trí trường hợp ngộ độc thuốc tê không điển hình như chỉ có dấu hiệu trên hệ thần kinh trung ương, hoặc dấu hiệu về tim mạch là duy nhất. Với các trường hợp này, cần phải ưu tiên xử lý theo hướng ngộ độc thuốc tê vì việc lúng túng trong chẩn đoán hay nghi ngờ là "sốc phản vệ" sẽ dẫn đến sử dụng sai phác đồ điều trị.

Bệnh lý của phản ứng phản vệ hoàn toàn khác với bệnh lý của ngộ độc thuốc tê. Hơn nữa, phác đồ điều trị hai bệnh lý này hoàn toàn khác nhau. Việc hiểu sai sẽ dẫn đến cách xử lý nhầm lẫn là dùng phác đồ xử lý phản ứng phản vệ để xử lý ngộ độc thuốc tê, và chắc chắn sẽ dẫn tới kết cục vô cùng tai hại.

Sẽ như thế nào nếu gặp ngộ độc thuốc tê khi sử dụng thuốc tê?

Trả lời phỏng vấn TS.BS Trần Ngọc Quảng Phi cho rằng: “Sử dụng thuốc tê không phải là đặc quyền của gây mê hồi sức mà là tất cả nhân viên y tế khác vẫn đang sử dụng thuốc tê. Vậy nếu như không phải bác sĩ gây mê mà sử dụng thuốc tê gặp ngộ độc thuốc tê thì điều gì sẽ xảy ra họ sẽ đối diện tình huống đó như thế nào? Để làm được điều đó dễ dàng thì chúng ta phải trang bị, đào tạo cho nhân viên y tế nói chung và bác sĩ nha khoa nói riêng những kiến thức cần thiết về chẩn đoán và xử trí ngộ độc thuốc tê”.

“Mình phải trang bị cho họ biết đâu là ngộ độc thuốc tê và sốc phản vệ. Hiệp hội gây tê Hoa Kỳ khuyến cáo tất cả các bệnh nhân được xử trí theo hướng ngộ độc thuốc tê trước, chứ đừng nghĩ đó là sốc phản vệ. Bởi vì theo các nghiên cứu thì phản vệ dị ứng và phản vệ thuốc tê rất hiếm gặp”. BS Phi chia sẻ. Ông cũng cho biết thêm nếu bản chất là ngộ độc thuốc tê mà chúng ta xử lý sang hướng sốc phản vệ thì xác suất cấp cứu thành công cho bệnh nhân lại ngày càng ít đi.

Hội thảo kết thúc thành công, mở ra cơ hội cứu chữa bệnh nhân ngộ độc thuốc tê tốt hơn

Đề cập đến một vấn đề nóng trong Y khoa, Hội thảo Chẩn đoán và xử trí Ngộ độc thuốc tê do Khoa Răng Hàm Mặt trường Đại học Văn Lang tổ chức đã thu hút được sự tham gia của 400 Y, Bác sĩ đến từ các bệnh viện, trường đào tạo Y khoa cả nước. Hội thảo sẽ là tiền đề để giúp cộng đồng y khoa nhận thức và có cái nhìn đúng đắn để dự phòng và điều trị về thuốc tê và ngộ độc thuốc tê.

Khoa Răng Hàm Mặt – Trường Đại Học Văn Lang

 

Khoa Răng Hàm Mặt – Trường Đại Học Văn Lang có thời gian đào tạo 6 năm, sinh viên tốt nghiệp nhận văn bằng bác sĩ. Với định hướng giáo dục ứng dụng, Trường Đại học Văn Lang xây dựng chương trình đào tạo Bác sĩ Răng Hàm Mặt chú trọng phát triển kỹ năng thực hành. Về chương trình học chuyên ngành, sinh viên sẽ có nhiều giờ thực hành trên hệ thống mô phỏng (simulation) hơn so với chương trình đào tạo hiện hành. Bên cạnh đó, chương trình học trang bị cho sinh viên một cách toàn diện những kiến thức bổ trợ cần thiết về tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống và cả quản trị nha khoa. Bước vào giai đoạn thực hành lâm sàng, sinh viên ngành Răng – Hàm – Mặt Đại học Văn Lang có cơ hội tiếp nhận nguồn bệnh nhân phong phú, rèn luyện kỹ năng giao tiếp và kỹ năng thực hành chuyên môn trong 6 năm học

Ý kiến của bạn