Là một người bác sĩ, không ai không muốn bệnh nhân của mình được khỏi bệnh, được cứu chữa đến hết khả năng có thể. Thứ nhất vì danh tiếng và khả năng của người làm nghề. Nghề y cũng là một nghề, người bác sĩ cũng là một người lao động bình thường, cần kiếm tiền để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cuộc sống hàng ngày. Trên một khía cạnh nào đó, bệnh nhân là “khách hàng” của bệnh viện và người làm nghề y. Vậy muốn có nhiều khách hàng đến khám, chữa bệnh, để có việc làm và thu nhập tốt thì vẫn tiêu chí “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”. Cho nên thiết nghĩ không ai không muốn mọi sự được toàn vẹn. Nhưng... vẫn là từ nhưng, cuộc sống không phải cứ muốn là được, như một bài viết trên báo SK&ĐS có nói: “Thợ sửa chữa làm hỏng đồ dùng của khách hàng nhất định phải đền bù là tất nhiên. Thế nhưng việc chữa bệnh, cấp cứu không có thỏa thuận dân sự như bác sĩ đồng ý chữa bệnh với giá nào đó, chữa không xong thì... phải đền hoặc bệnh nhân này không thỏa thuận được thì tìm bác sĩ khác, bệnh viện khác! Công việc của thầy thuốc không phải là công việc của người thợ sửa chữa mà mang thiên chức cứu người nên không có sự lựa chọn những ca khó dễ, nặng nhẹ để chữa trị. Bệnh nhân nào đến bệnh viện, thầy thuốc cũng phải cứu chữa, nhất là trường hợp cấp cứu thì việc sơ cứu ban đầu cực kỳ quan trọng bởi bản chất của cấp cứu là cuộc chạy đua với thần chết.”
Bàn đến vấn đề còn nước còn tát, tôi đã từng điều trị và được chứng kiến nhiều, rất nhiều trường hợp. Có những trường hợp bệnh nhân rất nặng, sống đời sống thực vật và chỉ thở theo máy, chỉ cần rút ống nội khí quản là bệnh nhân ngừng thở, các thầy thuốc đã giải thích hết tất cả mọi tình huống và khả năng, nhưng người nhà và gia đình vẫn khăng khăng muốn được chuyển đi tuyến trên, với một lý do rất đơn giản, còn nước còn tát, cho thỏa mãn tâm lý và mọi người không có ý kiến, không thì lại ỳ xèo ông này bà kia bất hiếu, không đưa bố mẹ anh chị đi tìm thầy tìm thuốc, âu đó cũng là một lý do chung. Rồi nước không có mà tát lại múc lên một bãi bùn lầy, sau khi người bệnh ra đi, để lại cho gia đình một mớ bòng bong, một bãi bùn lầy mà rửa mãi cũng không sạch. Khi bình thường đi vay tiền không ai muốn cho, nhưng có chuyện thì kiểu gì cũng mượn được.
Cần nhìn nhận đúng đắn về công việc của các thầy thuốc.
Nói về thái độ và cách tiếp đón với bệnh nhân và thân nhân gia đình, chúng ta cũng nên thử đặt vào bản thân mình một chút, không phải tất cả người nhà bệnh nhân ai cũng hiểu biết toàn diện, thực hiện đúng nội quy khi đi khám và điều trị bệnh. Khi một người bị bệnh thì có khi có đến 4, 5 người nhà đến thay nhau chăm sóc, hôm nay người này vào hỏi tình trạng bệnh, giờ khác người khác vào hỏi thăm, ngày khác lại vào hỏi tình hình bố tôi thế nào, thử hỏi các bạn, một ngày các bạn làm bao nhiêu giờ, bao nhiêu bệnh nhân. Nếu dành thời gian để giải thích tường tận như các bạn muốn, thì hết bao nhiêu thời gian? Các bạn thử ngồi ở bàn khám bệnh thôi, không cần làm gì cả, chỉ ngồi đó khoảng một ngày trong một gian phòng rộng 30m vuông, nhìn người ra ra vào vào, nghe đủ các loại âm thanh thôi các bạn sẽ cảm thấy thế nào? Người thầy thuốc ngoài việc đó ra, còn phải khám bệnh. Còn phải nghĩ các phương pháp xử lý, rồi giải thích, một núi công việc như vậy các bạn thử hỏi khi nào cũng nụ cười nở trên môi được ư?
Tôi nghĩ những người đọc được bài viết này và vào được internet đều là những người có học thức cao, có hiểu biết với xã hội, các bạn có đồng ý xếp hàng như Lê Nin đến hiệu cắt tóc không, hay là lại nhờ chỗ này một tí, chỗ kia một tí để được ưu tiên xử lý trước, để được khám bệnh trước, để không mất thời gian chờ đợi. Những người không nhờ được mối quan hệ, lại nghĩ đến đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, tìm mọi cách để chen chúc, để dấm dúi cho người này người nọ, người ta không lấy và đuổi ra thì cho là hách dịch, là chê tiền ít, rồi khi đó biến phòng khám thành một cái chợ.
Nếu ai đã từng đến Bệnh viện K, Việt Đức, Bạch Mai... các bạn thấy khối lượng người bao nhiêu? Có đến hàng ngàn người chạy ngược chạy xuôi, các bạn có thể hiểu được.
Tai biến, sai sót là không thể tránh khỏi, đặc biệt với thời đại bùng nổ thông tin, nước ta có bao nhiêu bệnh viện, bao nhiêu cơ sở khám chữa bệnh, một ngày biết bao nhiêu ca bệnh. Nếu trải dài trên cả nước, tôi nghĩ nó cũng không có gì to tát, nhưng nếu gộp lại trước một màn hình máy tính thì có vẻ dồn dập và khủng bố, chỉ cần 5 phút thôi, một sai sót ở Cà Mau ngồi ở Hà Nội đã biết, vậy tại sao không nhộn nhịp được cơ chứ. Mà những thông tin này không biết độ xác thực được bao nhiêu?
BS. Minh Thủy