Cần chương trình sàng lọc toàn diện căn bệnh ung thư có tỷ lệ sống thêm 5 năm chưa đến 15% tại Việt Nam

11-04-2025 15:49 | Y tế

SKĐS - Theo GLOBOCAN 2022 Việt Nam ghi nhận 24.426 ca mắc mới và hơn 22.597 ca tử vong do ung thư phổi mỗi năm, với tỷ lệ sống thêm 5 năm chỉ đạt khoảng 14,8%. Ung thư phổi hiện là nguyên nhân tử vong do ung thư cao thứ hai tại Việt Nam.

Nếu được phát hiện sớm, cơ hội điều trị thành công ung thư phổi có thể tăng lên gấp nhiều lần. Việc xây dựng chương trình sàng lọc và hệ thống quản lý bệnh hiệu quả là nội dung cấp thiết.

GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia đã nhấn mạnh những thông tin trên tại Hội thảo chuyên đề "Sàng lọc ung thư phổi: Kinh nghiệm quốc tế và định hướng tại Việt Nam" diễn ra hôm nay (11/4) tại Hà Nội do Viện Nghiên cứu Phòng chống Ung thư (Viện Ung thư Quốc gia) - Bệnh viện K phối hợp cùng AstraZeneca Việt Nam tổ chức.

Hội thảo quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm triển khai và định hướng xây dựng chương trình sàng lọc ung thư phổi toàn diện cho Việt Nam.

Cần chương trình sàng lọc toàn diện căn bệnh ung thư có tỷ lệ sống thêm 5 năm chưa đến 15% tại Việt Nam- Ảnh 1.

GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia cho hay: Ung thư phổi hiện là nguyên nhân tử vong do ung thư cao thứ hai tại Việt Nam.

75% bệnh nhân ung thư phổi chẩn đoán ở giai đoạn không thể phẫu thuật

Theo GS Quảng, trong điều trị ung thư nói chung là điều trị đa mô thức, phối hợp nhiều biện pháp, quan trọng là làm sao phải phát hiện được sớm, trong đó có ung thư phổi để giảm tỷ lệ tử vong và chi phí điều trị.

"Ung thư phổi là bệnh có tỷ lệ mắc cao và có nhiều tiến bộ trong điều trị để bệnh nhân có cơ hội được chữa khỏi. Với các bệnh nhân mắc ung thư phổi nếu được phát hiện sớm, cơ hội điều trị thành công có thể tăng lên gấp nhiều lần, từ đó làm giảm nguy cơ tử vong và tiết kiệm được chi phí điều trị"- GS.TS Lê Văn Quảng nói và cho rằng mỗi quốc gia có một chiến lược ưu tiên khác nhau trong điều trị ung thư phổi nhưng việc xây dựng chương trình sàng lọc và hệ thống quản lý bệnh hiệu quả là nội dung cấp thiết.

Chia sẻ thêm về bệnh ung thư phổi, PGS.TS Đỗ Hùng Kiên - Phó Giám đốc Bệnh viện K cho hay: Châu Á có gặng nặng bệnh lý ung thư phổi cao nhất thế giới. Ung thư phổi đứng thứ 3 về tỷ lệ mắc mới và là nguyên nhân đứng thứ 2 gây tử vong do ung thư; Đa số bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn không thể phẫu thuật, chiếm 75%, tiên lượng sống còn kém.

"Giai đoạn sớm thường không có triệu chứng hoặc nhầm lẫn với các triệu chứng bệnh lý hô hấp khác, dễ bỏ sót. Bệnh nhân thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.

Các triệu chứng khi bệnh ở giai đoạn muộn gồm ác triệu chứng hô hấp, u xâm lấn thành ngực, Hội chứng chèn ép, triệu chứng di căn: não, gan, xương, hạch, các nốt dưới da, hội chứng cận u"- PGS.TS Đỗ Hùng Kiên nói.

Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, tại bệnh viện này mỗi năm khám khoảng 12.000 lượt người bệnh liên quan bệnh lý u phổi, trong đó điều trị khoảng gần 3.200 bệnh nhân/năm.

PGS.TS Đỗ Hùng Kiên cho hay có một số rào cản phổ biến của tầm soát ung thư phổi tại Việt Nam, đó là việc triển khai sàng lọc ung thư phổi hiện có nhiều khó khăn do thiếu trang thiết bị, cơ sở hạ tầng chuyên môn. Ngoài ra, nhận thức của người dân và nhân viên y tế chưa đầy đủ, BHYT chưa chi trả cho các phương pháp sàng lọc.

Thông tin về các phương pháp điều trị ung thư phổi, PGS.TS Đỗ Hùng Kiên cho hay, gồm có: Phẫu thuật (phẫu thuật nội soi, Robot,…); Xạ trị (Xạ trị kỹ thuật cao IMRT, VMAT); Điều trị xạ phẫu não, điều trị hỗ trợ; Điều trị nội khoa (điều trị đích, điều trị miễn dịch, hóa trị). "Tuy nhiên tỷ lệ bệnh nhân tiếp cận với các liệu pháp điều trị mới còn ít do chi phí điều trị với các liệu pháp mới còn cao, chưa được BHYT chi trả"- PGS.TS Đỗ Hùng Kiên nói.

Phó giám đốc Bệnh viện K kiến nghị trong điều trị bệnh nhân mắc ung thư phổi cần có những chính sách hỗ trợ từ BHYT tăng khả năng tiếp cận liệu pháp mới và sàng lọc chẩn đoán sớm cho bệnh nhân ung thư phổi tại Việt Nam để kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân. Bên cạnh đó là việc giảm giá thuốc để bệnh nhân tăng khả năng tiếp cận với các liệu pháp điều trị mới.

Cần chương trình sàng lọc toàn diện căn bệnh ung thư có tỷ lệ sống thêm 5 năm chưa đến 15% tại Việt Nam- Ảnh 2.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế tọa đàm về bệnh ung thư phổi.

Xây dựng chương trình sàng lọc ung thư phổi quốc gia là hướng đi chiến lược nhằm giảm gánh nặng bệnh tật

Phát biểu tại hội thảo, TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định: Xây dựng chương trình sàng lọc ung thư phổi quốc gia là hướng đi chiến lược nhằm giảm gánh nặng bệnh tật. Thành công đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở y tế, đồng bộ hóa chuyên môn, kiểm soát chất lượng và khai thác hiệu quả dữ liệu ghi nhận ung thư để nâng cao hiệu quả sàng lọc và phát hiện sớm bệnh.

Bổ sung góc nhìn từ công tác phòng bệnh và giám sát y tế, TS.BS Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối dữ liệu giám sát bệnh không lây nhiễm với hệ thống ghi nhận ung thư, nhằm đảm bảo đồng bộ hóa thông tin, hỗ trợ đánh giá hiệu quả chương trình sàng lọc và xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng.

Trong khi đó, PGS.TS. Trần Thị Thanh Hương, Phó Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia chia sẻ về những thách thức trong triển khai sàng lọc ung thư phổi tại cộng đồng, đặc biệt là nhận thức của người dân, khả năng tiếp cận dịch vụ sàng lọc cũng như năng lực tổ chức thực hiện tại tuyến cơ sở, đồng thời đề xuất các giải pháp tăng cường truyền thông và phối hợp đa ngành để nâng cao hiệu quả sàng lọc trên diện rộng.

Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế uy tín đã chia sẻ kinh nghiệm thành công tại các quốc gia tiên tiến. GS.TS.BS. Pan-Chyr Yang từ Đài Loan (Trung Quốc) giới thiệu mô hình TALENT giúp phát hiện sớm tới 90% ca ung thư phổi giai đoạn 0-I ở nhóm người không hút thuốc, đồng thời thúc đẩy thay đổi chính sách y tế quốc gia.

GS.TS. Kim Yeol từ Hàn Quốc trình bày kinh nghiệm triển khai chương trình sàng lọc quy mô toàn quốc, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của kiểm soát chất lượng và kết nối dữ liệu từ ghi nhận đến điều trị.

Theo ông, ở Hàn Quốc, có 23% người mắc ung thư phổi phát hiện ở giai đoạn sớm và được chữa khỏi tới hơn 80%. Hiện nay, trong việc phát hiện sớm bệnh ung thư phổi, chụp X-Quang ngực không phát hiện được triệt để, tuy nhiên, chụp CT liều thấp phát hiện hiệu quả trong việc tầm soát các nốt nhỏ tổn thương phổi lành tính hay ung thư phổi.

GS.TS. Kim Yeol cũng thông tin tại Hàn Quốc, đã có chương trình hướng dẫn tầm soát ung thư phổi được triển khai từ năm 2015 và khuyến cáo việc CT liều thấp với những người có nguy cơ cao mắc ung thư phổi như người có nguy cơ cao và hút thuốc lá nhiều.

Cần chương trình sàng lọc toàn diện căn bệnh ung thư có tỷ lệ sống thêm 5 năm chưa đến 15% tại Việt Nam- Ảnh 3.

Công bố khởi động nghiên cứu "Ghi nhận ung thư phổi: Đặc điểm chẩn đoán, điều trị và sống thêm của người bệnh tại Việt Nam giai đoạn 2025–2030".

Bên cạnh đó, các chuyên gia trong nước cũng đóng góp quan trọng với những cập nhật về tiến bộ điều trị và hệ thống ghi nhận ung thư phổi tại Việt Nam, phục vụ cho việc hoạch định chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý bệnh.

Thông tin tại hội thảo cũng cho thấy việc phát hiện sớm thông qua sàng lọc đóng vai trò quan trọng trong giảm tử vong do ung thư phổi bằng cách chẩn đoán nhiều bệnh ung thư phổi hơn ở giai đoạn đầu. Nếu được chẩn đoán ở giai đoạn đầu, có thể điều trị khỏi ung thư phổi. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư phổi giai đoạn IV là 5%, so với 65% đối với giai đoạn I.

Trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng nâng cao hiệu quả sàng lọc ung thư phổi ở những nơi có nguồn lực hạn chế.

Hội thảo đánh dấu cột mốc quan trọng khi chính thức công bố khởi động nghiên cứu "Ghi nhận ung thư phổi: Đặc điểm chẩn đoán, điều trị và sống thêm của người bệnh tại Việt Nam giai đoạn 2025–2030".

Nghiên cứu do GS.TS. Lê Văn Quảng và PGS.TS. Trần Thị Thanh Hương đồng chủ nhiệm, với sự tham gia của 8 bệnh viện trên cả nước, bao gồm: Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Ung bướu TP. HCM, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cùng với sự hỗ trợ từ AstraZeneca Việt Nam.

Mục tiêu của nghiên cứu là xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạch định chính sách và nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi trong tương lai.

75% người bệnh ung thư phổi nước ta phát hiện ở giai đoạn muộn: Cần tăng cường tiếp cận y tế toàn diện về sức khỏe phổi75% người bệnh ung thư phổi nước ta phát hiện ở giai đoạn muộn: Cần tăng cường tiếp cận y tế toàn diện về sức khỏe phổi

SKĐS - Nhiều bệnh liên quan đến phổi và ung thư phổi đã và đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, tàn tật tại Việt Nam, trong đó ung thư phổi với hơn 24.000 ca mắc mới mỗi năm, đứng thứ hai về số ca tử vong tại Việt Nam...

Bài và ảnh Thái Bình
Ý kiến của bạn