Hà Nội

Cần chương trình hợp tác để nâng cao hiệu quả điều trị ung thư vú tại Việt Nam

07-12-2020 14:57 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Quá trình điều trị ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng, sức nặng đang nghiêng về phía các bệnh viện tuyến cuối bởi tình trạng hơn 70% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Vấn đề nâng cao nhận thức, chẩn đoán sớm và tăng hiệu quả điều trị đang cần một chương trình hợp tác từ nhiều bên liên quan để giải quyết đồng bộ.

70% người bệnh phát hiện ung thư vú ở giai đoạn muộn

Vừa qua, hoa khôi truyền cảm hứng Đặng Trần Thủy Tiên (sinh năm 2000, quê Hải Phòng, theo học tại Đại học Ngoại Thương Hà Nội) hạnh phúc thông báo lên trang cá nhân “Đã tốt nghiệp Đại học K” và nhận hàng trăm lời chúc mừng từ người thân, bạn bè. Tiên trở thành tấm gương truyền cảm hứng về nghị lực chiến thắng căn bệnh ung thư vú quái ác sau gần 17 tháng điều trị.

Phát hiện mắc ung thư vú giai đoạn hai ở tuổi 19, cô gái trẻ như ngã quỵ nhưng chính sức trẻ, tinh thần lạc quan, không bỏ cuộc, Thủy Tiên đã bỏ lại phía sau hành trình điều trị gian khổ, sẵn sàng mở ra những chương mới cuộc đời.

Thủy Tiên vượt qua căn bệnh ung thư vú là nỗ lực tuyệt vời của chính bản thân, chuyên môn cùng tấm lòng của y bác sỹ nói riêng và nền y học Việt Nam nói chung. Nhưng đồng thời, trường hợp của cô phần nào đang phản ánh thực trạng căn bệnh ung thư vú tại Việt Nam: đang có xu hướng tăng nhanh và trẻ hóa trong khi xã hội và hệ thống y tế chưa thực sự sẵn sàng đối phó với tần suất mắc ung thư vú cao.

Đặng Trần Thủy Tiên mắc ung thư vú giai đoạn hai ở tuổi 19 - Ảnh: NVCC

Theo Ghi nhận ung thư (GLOBOCAN) 2018, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư vú chiếm 9,2%, số ca mắc mới hơn 15.000 ca và số ca tử vong hơn 6000 ca mỗi năm. Ước tính đến 2030, số ca mắc mới tại nước ta sẽ tăng lên 20.000 ca và có xu hướng tiếp tục tăng lên.

Mặc dù những con số tăng cao nhưng 70% người bệnh phát hiện ung thư vú ở giai đoạn muộn. Nhận thức về bệnh còn hạn chế trong cộng đồng, dẫn đến việc điều trị càng khó khăn và tốn kém. Phần nhiều, việc tầm soát ung thư vú diễn ra cục bộ, quy mô nhỏ. Các cấp quản lý, người dân chưa thực sự ghi nhận tầm quan trọng của khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú; dịch vụ sàng lọc chưa được đưa vào bảo hiểm y tế của người dân.

Về phạm vi bao phủ các chương trình sàng lọc ở Việt Nam, PGS.TS Trần Thị Thanh Hương, Phó Viện Trưởng Viện ung thư Quốc gia chia sẻ dù hiện tại đã có các kế hoạch kiểm soát ung thư nhưng chương trình kiểm soát ung thư một cách chuyên biệt vẫn chưa có.

“Vì chưa có một chương trình chuyên biệt nên chúng ta cũng không chưa thể huy động được nguồn lực từ tất cả các ban ngành đoàn thể các tổ chức xã hội cũng như là chúng ta chưa thể có đánh giá về lâu dài và hiệu quả các chương trình này”, bà Thanh Hương cho biết. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỉ lệ chẩn đoán giai đoạn muộn còn cao, tạo gánh nặng lên hệ thống bệnh viện tuyến cuối tại các thành phố lớn.

Về điều trị, mức độ bảo hiểm có sẵn đối với điều trị ung thư và thuốc phòng chống ung thư còn hạn chế. Khủng hoảng tài chính là một gánh nặng đè lên vai của bệnh nhân và gia đình khi Bảo hiểm y tế chỉ có thể hỗ trợ các bệnh nhân gần 30% chi phí điều trị. Điều này trở thành nguy cơ gây khánh kiệt về tài chính trong quá trình điều trị ung thư, là gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội, dẫn đến khó khăn trong tiếp cận điều trị ung thư vú.

Số người mắc bệnh ung thư vú đang có xu hướng tăng cao và trẻ hóa, trong hệ thống y tế lại chưa sẵn sàng ứng phó vì nhiều lý do. Hiện nay, những bệnh viện có khả năng điều trị ung thư vú tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM với hai đơn vị hàng đầu là Bệnh viện K (Hà Nội) và bệnh viện Ung bướu TP.HCM nhưng cả hai đều đang quá tải.

Hợp tác các bên hữu quan có thể là chìa khóa?

Theo nghiên cứu gần đây của “The Economist Intelligence Unit” tài trợ bởi Roche đánh giá sự sẵn sàng trong bao phủ kiểm soát ung thư dưới góc độ chính sách và hệ thống y tế, Việt Nam nằm trong ba quốc gia xếp sau cùng trong thang điểm ở Đông Nam Á trong sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú; thiếu chụp nhũ ảnh chẩn đoán sớm tại tuyến chăm sóc y tế ban đầu và cung cấp việc khám tuyến vú lâm sàng.

Đồng thời xếp sau cùng trong tổng lượng máy xạ trị thực tế có sẵn so với quy mô dân số. Trong khi đó, tỷ lệ chẩn đoán muộn được báo cáo lên đến 70% trở thành thách thức lớn đối với sức chịu đựng của nền y tế nước nhà, cũng như liên quan chặt chẽ đến khả năng sống còn thấp của bệnh nhân.

Bảng: Chỉ số sẵn sàng ứng phó với bệnh ung thư - kết quả tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương – Theo Báo cáo “The Economist Intelligence Unit”

Trong tình hình đó, hệ thống y tế còn thiếu tính liên kết giữa các bộ phận, đoàn thể, cơ quan và tổ chức. Trước hết đối với vấn đề tầm soát ung thư từ sớm. Theo ThS.BS Lê Văn Phúc- Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) đánh giá:“cần kết hợp từ nhiều nguồn lực để thực hiện bởi sự hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư vú chỉ diễn ra trong quá trình khám và điều trị”.

Các bên gắn kết chặt chẽ, tham gia hỗ trợ lẫn nhau, tận dụng bổ sung các nguồn lực đa chiều: từ nhà nước, từ tư nhân, cũng như cá nhân người bệnh. Riêng các tổ chức hay doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia vào nhiều hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, như khám sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư hoặc thực hiện nghiên cứu khoa học.

Những chương trình nâng cao nhận thức và khám sàng lọc ung thư vú miễn phí cho phụ nữ trong độ tuổi nguy cơ do Quỹ Ngày mai tươi sáng tổ chức thường niên từ năm 2013 với sự đồng hành của Roche đã khám sàng lọc cho 31.733 chị em, phát hiện sớm 27 trường hợp ung thư vú và 132 trường hợp nghi ngờ ung thư cần theo dõi thường xuyên. Những chương trình này cần được nhân rộng và mở rộng quy mô cũng như chiều sâu, tác động trên nhiều lĩnh vực trong suốt quá trình điều trị ung thư vú.

Sự hợp tác, chung tay giữa các bên hữu quan là điểm mấu chốt, nên được triển khai và hoạch định một cách đồng bộ. Chỉ như vậy, giá trị lớn hơn mới lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng, hạn chế nguy cơ mắc ung thư ngay từ đầu bằng cách tăng cường nhận thức về bệnh, tăng cơ hội tiếp cận với các phương pháp điều trị tiên tiến với chi phí tốt hơn, cải thiện chất lượng sống.

Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn