Báo cáo tại cuộc họp giao ban báo chí tại Ban Tuyên giáo TW ngày 20/5, Bộ Y tế cho biết, hiện nay cơ bản dịch sởi đã được khống chế, tuy nhiên cũng cần được theo dõi, giám sát chặt chẽ. Ngoài ra, các dịch bệnh khác như tay-chân-miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH)... cũng đã bắt đầu gia tăng. Ngành y tế các cấp và các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch để tránh nguy cơ các dịch bệnh kép cùng bùng phát...
Kiện toàn tổ chống dịch cơ động
Ngày 19/5, PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại BV Bạch Mai và BV Bệnh Nhiệt đới TW. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên, hiện bệnh nhân sởi vẫn khá đông tại hai bệnh viện này, trong đó BV Bạch Mai có 65 bệnh nhi mắc sởi đang điều trị, trong đó 8 bệnh nhân nặng. Tại BV Bệnh nhiệt đới TW, từ đầu năm 2014 đã có trên 1.000 bệnh nhân sởi và nghi sởi vào điều trị, 70% trong số này là người lớn. Bệnh nhân TCM và SXH mới vào đầu mùa, chỉ có 1 - 2 ca mắc/tuần, hiện BV chưa ghi nhận ca bệnh TCM.
Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc thực phẩm tại TT Chống độc, BV Bạch Mai. Ảnh: TM.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cho biết, theo kinh nghiệm các năm trước, các dịch bệnh TCM, SXH ở miền Bắc sẽ đến chậm hơn miền Nam khoảng 1 tháng, nên số lượng bệnh nhân sẽ tăng từ cuối tháng 5 này. Cùng lúc có nhiều loại dịch bệnh xuất hiện, do đó, các bệnh viện chuẩn bị phương án chống dịch kép, chuẩn bị đủ trang thiết bị và thuốc men, sẵn sàng phục vụ nhu cầu điều trị của bệnh nhân. Đối với nhiệm vụ những tháng cuối năm 2014, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên đề nghị hai BV này tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, áp dụng nhiều kỹ thuật mới; đồng thời cần linh hoạt trong công tác thu dung, phân luồng KCB, nâng cao chất lượng khám sàng lọc, chẩn đoán, điều trị để hạn chế tử vong đến mức thấp nhất.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đã có văn bản gửi Sở Y tế các địa phương và các BV trực thuộc Bộ nhấn mạnh, các BV tuyến cuối cần thực hiện nghiêm các chương trình tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các BV cơ sở theo phân công. Các BV, viện thuộc Bộ Y tế cần kiện toàn từ 2 - 4 tổ chống dịch cơ động, sẵn sàng ứng phó hỗ trợ tuyến dưới, thiết lập BV dã chiến khi cần thiết. Các Sở Y tế chọn 1 - 2 BV tuyến tỉnh sẵn sàng thành lập và triển khai BV dã chiến khi cần...
Ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng - cảnh báo từ bệnh viện
Trong các tuần gần đây, Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận các ca cấp cứu do ngộ độc thức ăn. Nhiều bệnh nhân nhập viện với biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn, mất nước, mất điện giải, sốt. Theo BS. Nguyễn Đàm Chính - Trung tâm Chống độc, ngộ độc thức ăn hầu hết do nhiễm khuẩn trong thức ăn. Điển hình là trường hợp của một bệnh nhân nam 47 tuổi (ở Hưng Yên) vào Trung tâm Chống độc trong tình trạng đau bụng, nôn, mất nước nhiều, được chẩn đoán là ngộ độc do độc tố của vi khuẩn. Bệnh nhân bị suy thận độ 3 do mất nhiều nước. Theo BS. Chính, ngộ độc thức ăn do nhiễm vi khuẩn ngoài việc sử dụng kháng sinh, cần được bù dịch chống mất nước. “Tuy nhiên, với bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, việc bù nước cần được theo dõi sát sao vì bù dịch có thể làm tăng huyết áp, phù phổi”, BS. Chính lưu ý.
Vào mùa hè, mùa nắng nóng cũng là “mùa” của ngộ độc thức ăn ở trẻ nhỏ. Theo TS.BS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, trẻ bị nôn, tiêu chảy nhiều, tốc độ mất nước nhanh, cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế. Nguy hiểm của mất nước khi tiêu chảy là làm giảm khối lượng tuần hoàn, rối loạn điện giải, gây co giật, sốc, hôn mê, thậm chí tử vong do trụy tim mạch. “Trẻ sốt cao, tiêu chảy rất cần thiết được bù nước bằng uống oresol kịp thời. Tuy nhiên, gia đình cũng cần lưu ý pha đúng cách”, BS. Dũng khuyến cáo.
Thái Bình