Cần chuẩn bị gì trước khi mang thai?

25-04-2021 14:30 | Đời sống
google news

SKĐS - Cần chuẩn bị gì trước khi mang thai là một câu hỏi của nhiều cặp vợ chồng có kế hoạch sinh con. Vậy cần lưu ý những gì, dưới đây là một số vấn đề giúp bạn tham khảo.

Trên thực tế các cặp đôi có dự định mang thai sinh em bé, thì việc đầu tiên là cả hai vợ chồng đều ở giai đoạn thuận lợi nhất khi mang thai cả về sức khỏe, kinh tế, cũng như các kỹ năng và có quyết định mang thai.

Dưới đây là một số việc cần chuẩn bị :

Thăm khám trước mang thai:
Cả hai vợ chồng nên thực hiện một số thăm khám trước khi mang thai để có thể loại trừ, phát hiện sớm cũng như điều trị kịp thời các nguy cơ có thể gây nguy hiểm khi mang thai. Việc nên làm đầu tiên là gười vợ nên làm các xét nghiệm một số bệnh mãn tính khác nhau như lao, tiểu đường và tim mạch, … Bởi các căn bệnh mãn tính này nếu không được điều trị khỏi hoặc khống chế tốt rất có thể gây nên sẩy thai.

Ngoài ra, cũng cần chú ý kiểm tra các bệnh di truyền ở cả vợ và chồng ví dụ như bệnh Thalassemia, … Những căn bệnh này có thể tồn tại ở hai vợ chồng dạng ẩn không biểu hiện, nhưng những gen bệnh có thể tổ hợp lại và gây nên bệnh cảnh ở con.

Cả hai vợ chồng cần được làm các xét nghiệm loại trừ mắc các bệnh lây nhiễm như HIV, Rubella, giang mai, … Đây là những căn bệnh nguy hiểm có thể truyền sang con thông qua nhau thai khiến con mắc bệnh ngay khi mới sinh ra hay nghiêm trọng hơn có thể gây nên các dị tật bẩm sinh.

Bên cạnh đảm bảo sức khỏe không có các bệnh gây nguy hiểm cho quá trình mang thai, điều quan trọng không kém chính là tăng cường bồi bổ cơ thể trước khi mang thai. Các chất cần được chú ý bổ sung nhiều để đảm bảo cho quá trình mang thai là sắt (tạo máu), calci (cấu tạo hệ xương), acid folic (cấu tạo hệ thần kinh), …

Phụ nữ cần tiêm vắc xin phòng bệnh để chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh

Hạn chế sử dụng thuốc và các chất kích thích

Trước khi mang thai cần hạn chế sử dụng thuốc và các chất kích thích. Sử dụng quá nhiều thuốc trước khi mang thai có thể gây nên sự tồn đọng thuốc trong cơ thể tác động xấu đến thai nhi. Đồng thời cũng cần hạn chế sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, chè, café, rượu, …bởi những chất này có thể gây nên ảnh hưởng đến trứng và tinh trùng khiến quá trình thụ thai khó khăn hơn.

Độ tuổi thích hợp nhất để mang thai
Phụ nữ bắt đầu có khả năng mang thai từ lúc bước vào tuổi dậy thì với lần hành kinh đầu tiên và mất khả năng mang thai khi mãn kinh. Theo lí thuyết, phụ nữ trong độ tuổi này đều có thể thụ thai và sinh con. Nhưng theo các nghiên cứu chỉ ra, không phải tất cả mọi lứa tuổi trong giai đoạn này đều thích hợp để mang thai mà chỉ có nhóm tuổi 24-29 tuổi được đánh giá là phù hợp nhất để mang thai.

Khi bước vào dậy thì đến trước 24 tuổi, mặc dù buồng trứng đã hoạt động và có thể gây nên hiện tượng thụ thai nếu có quan hệ tình dục, nhưng sự thụ thai trong giai đoạn này lại có những bất lợi nhất định. Kể đến chính là sự chưa hoàn thiện hoàn toàn chức năng sinh sản của phụ nữ khiến thai dễ bị sang chấn, sinh non và thường nhẹ cân. Đồng thời, kiến thức và kinh tế của mẹ trong giai đoạn này còn yếu, do đó khả năng chăm sóc trong thai kỳ khá kém.

Sau khi bước qua 29 tuổi, ở giai đoạn này người mẹ ổn định hơn về kinh tế và các kiến thức cũng như kỹ năng. Nhưng kéo theo đó là sự lão hóa của cơ thể, đặc biệt dễ xảy ra các rối loạn trong giảm phân tạo giao tử ở phụ nữ. Do đó, những chị em phụ nữ chuẩn bị mang thai ở độ tuổi này, thai có nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh do di truyền cao hơn hẳn. Các dị tật bẩm sinh hay gặp như Down, tự kỷ, …

Vì vậy, lứa tuổi 24-29 tuổi là lứa tuổi thích hợp nhất để chuẩn bị mang thai, người phụ nữ ở giai đoạn này có sự phát triển hoàn thiện cơ thể, có những kiến thức, kỹ năng cần thiết cũng như khả năng kinh tế để bước vào thai kỳ.

Tiêm phòng trước khi mang thai

Tiêm phòng trước khi mang thai là một trong những việc cực kỳ quan trọng trong các bước chuẩn bị trước khi mang thai. Khi mang thai, hệ thống miễn dịch cơ thể mẹ sẽ yếu hơn bình thường. Do đó, nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm của mẹ cũng vì vậy mà tăng lên.

Việc tiêm phòng trước khi mang thai là cách tốt nhất để bảo vệ thai nhi tránh khỏi các bệnh nguy hiểm như Rubella, viêm gan B… Đây cũng là cách tốt để bảo vệ cho cả mẹ.

Tuy nhiên, khi tiêm vắc xin các mẹ cần hết sức lưu ý và tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ. - Một số loại vắc xin sống như chủng ngừa sởi, quai bị, rubella (MMR), chị em được khuyến cáo không nên thụ thai trong vòng 3 tháng sau khi tiêm.
Vắc xin ngừa uốn ván, bạch hầu, ho gà (Tdap) có thể được tiêm trong khi bạn đang mang thai. Vacxin ngừa cúm thì có thể được tiêm trước hoặc trong khi mang thai tùy thuộc vào thời điểm (đang có dịch cúm hay không).

Từ những chú ý trên, để đảm bảo cho một thai kỳ khỏe mạnh các mẹ nên biết bản thân cần tiêm phòng vắc xin gì và chọn thời điểm tiêm phù hợp.

BS. CKII. PHẠM THỊ NGỌC
Ý kiến của bạn