Cần chuẩn bị gì trước khi đi phẫu thuật?

10-08-2015 13:48 | Y học 360
google news

SKĐS - Để cuộc phẫu thuật thành công, bệnh nhân cần phải chuẩn bị chu đáo tinh thần và thể chất.

Để cuộc phẫu thuật thành công, bệnh nhân cần phải chuẩn bị chu đáo tinh thần và thể chất. Dưới đây là hướng dẫn của Bệnh viện đa khoa Quảng Nam về những điều bệnh nhân cần chuẩn bị trước khi phẫu thuật, xin giới thiệu để bà con tham khảo.

Người bệnh được chỉ định phẫu thuật trong các trường hợp: để chẩn đoán (sinh thiết hoặc mổ thăm dò), để điều trị triệt để (cắt bỏ khối u, cắt bỏ ruột thừa viêm...), để tạo hình hoặc thẩm mỹ (cắt bỏ sẹo dính, tạo hình vú...), có thể là phẫu thuật tạm thời (mở thông dạ dày...). Có thể mổ cấp cứu như viêm ruột thừa hay viêm phúc mạc; cấp cứu trì hoãn: phẫu thuật trong vòng 24 đến 36 giờ như mổ viêm túi mật, tắc ruột... hoặc mổ theo lịch trong tuần, vài tuần như bệnh u xơ tiền liệt tuyến, thoát vị bẹn...

Khám cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Ảnh: M.Toàn

Người bệnh cần làm gì?

Người bệnh cần ký giấy cam kết trước mổ. Người bệnh có thể ký cam kết cho bản thân nếu tuổi và tình trạng tinh thần cho phép. Nếu như người bệnh còn nhỏ, hôn mê, rối loạn tâm thần thì người thân có thể ký cam kết thay thế. Trong trường hợp cấp cứu có thể phải mổ để cứu sống mà không có mặt của gia đình thì người ký tên phải là người có trách nhiệm về phía bệnh viện.

Ngày trước mổ, bệnh nhân sẽ được điều dưỡng hướng dẫn gửi tư trang của người bệnh cho thân nhân và bàn giao cẩn thận vì những vật này vừa gây trở ngại trong tư thế phẫu thuật, vừa gây nhiễm khuẩn vùng mổ. Tốt nhất nên người bệnh cởi bỏ tư trang để lại nhà trước khi nhập viện.

Người bệnh nếu đeo răng giả phải tháo ra vì răng giả gây trở ngại trong việc đặt nội khí quản, gãy hay sứt răng giả, dị vật đường thở nếu răng rớt vào khí quản. Tóc dài thắt bím lại hay buộc tóc gọn gàng, tháo tóc giả. Chùi sạch móng tay, móng chân có sơn màu giúp quan sát, theo dõi màu sắc da niêm, móng chính xác.

Cần vệ sinh sạch sẽ chiều hôm trước mổ, vệ sinh vùng mổ và tắm rửa sạch vùng mổ tốt nhất với xà phòng sát khuẩn. Hiện nay, trong các tài liệu nước ngoài việc cạo lông hạn chế thực hiện, thay vào đó là việc làm vệ sinh với dung dịch sát khuẩn. Nếu trong trường hợp cần cạo lông như mổ thoát vị bẹn thì nên sử dụng dụng cụ cạo râu. Cần làm sạch ruột tối hôm trước và sáng hôm mổ trĩ. Với mổ đại tràng, nguyên tắc là đảm bảo sạch phân đại tràng nên người bệnh cần thực hiện thụt tháo theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Về ăn uống, chiều trước mổ ăn nhẹ loãng, tối trước mổ nhịn ăn hoàn toàn, thường nhịn ăn tối thiểu 8 giờ trước mổ, ngưng uống tối thiểu trước 4 giờ. Trong trường hợp người bệnh gây tê thì không cần nhịn ăn uống tối trước mổ, chỉ nhịn ăn vào sáng trước mổ.

Để tránh lo âu, căng thẳng, người bệnh nên có người thân bên cạnh động viên, nên ngủ sớm, có thể dùng thuốc an thần cho người bệnh đêm trước mổ.

DTMN

 

 

 


Ý kiến của bạn