Cần chú ý gì khi đo SpO2 cho trẻ mắc COVID-19 tại nhà?

21-03-2022 15:47 |
google news

Việc dùng thiết bị đo SpO2 cho trẻ mắc COVID-19 tại nhà có chính xác không, cha mẹ cần chú ý gì khi đo?

Trước việc cha mẹ theo dõi sức khỏe cho trẻ mắc COVID-19 tại nhà bằng việc sử dụng máy đo SpO2 (nồng độ oxy trong máu), BS. Nguyễn Thành Lê, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo: “Máy đo SpO2 kẹp đầu ngón tay mà các gia đình đang dùng hiện nay là máy đo dành cho người lớn, trong khi cỡ tay của trẻ nhỏ nên có thể không chính xác; thậm chí ngay cả với người lớn, khi đang sốt bị co mạch, đo SpO2 cũng không thể chính xác được. Vì vậy đôi khi cách đo cho trẻ không đúng, chỉ số thấp khiến bố mẹ dễ bị hoảng loạn.

Tại Bệnh viện chúng tôi có máy đo SpO2 dành riêng cho trẻ thì chỉ số đo sẽ chính xác hơn. Nếu dựa vào chỉ số SpO2 thì phải có thiết bị đo chuyên dụng, cha mẹ không nên lạm dụng thiết bị đo của người lớn. Nếu dùng máy, nên đo ở ngón cái khi trẻ không sốt, nằm yên; với trẻ nhỏ quá cũng có thể cho kết quả không chính xác”.

Theo đó, cha mẹ không nên dựa hoàn toàn vào chỉ số đo SpO2 từ máy đo kẹp tay mà nên theo dõi sát nhịp thở của trẻ mắc COVID-19, theo dõi xem trẻ có thở nhanh hay không để phát hiện dấu hiệu khó thở. Nếu trẻ vẫn khỏe, chơi bình thường thì việc đo SpO2 là không cần thiết.

Cần chú ý gì khi đo SpO2 cho trẻ mắc COVID-19 tại nhà? - Ảnh 1.

Điều trị cho trẻ mắc COVID-19. Ảnh: TTXVN

BS. Nguyễn Thành Lê cũng khuyến cáo, cha mẹ theo dõi xem trẻ có thở nhanh hay không cần dựa theo lứa tuổi; cụ thể với các mức sau được coi là thở nhanh:

- Trẻ dưới 2 tháng tuổi có nhịp thở trên 60 lần/phút.

- Trẻ từ 2- 12 tháng có nhịp thở trên 50 lần/phút.

- Trẻ từ 1- 5 tuổi có nhịp thở trên 40 lần/phút.

- Trẻ từ 5-12 tuổi có nhịp thở trên 30 lần/phút.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu thở nhanh kết hợp đo SpO2 đúng cách mà có chỉ số thấp, cha mẹ cần phải báo với nhân viên y tế, hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế để được theo dõi kịp thời.

Tiêu chảy hậu COVID-19 nên ăn uống thế nào?Tiêu chảy hậu COVID-19 nên ăn uống thế nào?

SKĐS - Khi bị COVID-19, do virus làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa hoặc do dùng thuốc dẫn đến tiêu chảy. Tình trạng này có thể gặp sau khi âm tính. Do vậy, người bệnh cần lưu ý chế độ ăn uống để nhanh phục hồi chức năng tiêu hóa.


Tạ Nguyên
Báo Tin tức
Ý kiến của bạn