Stress bủa vây cuộc sống
Có đôi khi trong cuộc sống đến cả những chuyện nhỏ nhặt xảy ra như khi đứng chờ đèn đỏ quá lâu giữa ngày nóng bức, nghe tiếng còi xe inh ỏi cũng khiến bạn thấy bứt rứt, khó chịu. Quá nhiều thứ đè nặng lên vai khiến bạn phải than phiền “sao stress quá!”.
Nhưng bạn không cô đơn với cảm giác này, bởi thực tế theo thống kê của Bộ Y tế có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần, phổ biến là lo âu, stress, trầm cảm… Ngày nay, tình trạng này càng trẻ hóa. Trong 10 bệnh tâm thần thường gặp, bao gồm cả stress có đến 40% người dưới 30 tuổi.
Các yếu tố gây stress nếu kéo dài sẽ gây đến tình trạng trầm cảm (Ảnh minh họa)
Theo BS.CK2 Châu Văn Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bịnh Định, stress mang ý nghĩa một sức ép hay một xâm phạm nào đó tác động vào con người gây ra một phàn ứng căng thẳng. Ngày nay, stress là chứng bệnh gắn liền với các nền văn minh hiện đại, thường gặp trong thời đại công nghiệp hóa chi phối bởi sự cạnh tranh và một số nguy hại khác.
Stress ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh, gây ra các triệu chứng trên nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể. Trước nhất là cảm xúc, stress sẽ khiến bạn dễ tức giận, thất vọng, lo lắng, sợ hãi, khó chịu, thiếu kiên nhẫn và nóng tính. Thứ nữa là hành vi, người sẽ có cảm giác bồn chồn, ăn uống nhiều, đôi lúc khóc, la hét, thậm chí đập vỡ hay ném đồ vật.
Ba là khả năng suy nghĩ, tress làm một người nhanh nhạy trở nên giảm tập trung và trí nhớ, thiếu quyết đoán, lơ ngơ, lú lẫn. Cuối cùng là trên thể chất, cơ thể lúc nào cũng thấy mệt mỏi, đau đầu, đau nhức/chuột rút cơ bắp, tim đập nhanh, huyết áp rối loạn, đau ngực và buồn nôn, đau ngực và buồn nôn, thậm chí còn gây mất ngủ.
Stress khiến bạn mệt mỏi, dễ nổi nóng với người khác (Ảnh minh họa)
Đáng chú ý, rối loạn liên quan tới stress khó phát hiện vì có triệu chứng trùng lặp với bệnh khác, nên có 30% - 50% số người bệnh không được phát hiện đúng bệnh khi đi khám ở y tế cơ sở, hoặc bệnh viện đa khoa. Nhiều người trong số này được chẩn đoán nhầm là rối loạn tiền đình, suy nhược thần kinh, thiếu máu não nên việc điều trị không hiệu quả, càng khiến người bệnh thêm căng thẳng.
Stress “gặm nhấm” sức khỏe toàn thân
Stress có thể tìm đến bất cứ lúc nào và âm thầm diễn tiến khiến bạn không kịp “trở tay”. BS.CK2 Châu Văn Tuấn cho hay, stress bệnh lý cấp tính có thể xuất phát từ những tình huống không thể lường trước hoặc những tình huống quá dữ dội đối với chủ thể như mất người thân, đối diện với thảm họa (bão, lụt, động đất), khủng bố, tai nạn giao thông… Khi đó, người bệnh chịu sự khủng hoảng quá mức về mặt tâm thần và cơ thể.
“Stress cũng có thể phát sinh từ sức ép trong cuộc sống với những bất hòa, biến cố tình cảm; công việc không suôn sẻ, thất vọng trong sự nghiệp, bị sa thải, về hưu; môi trường sống căn thẳng; mâu thuẫn trong gia đình, xã hội hay khó khăn về kinh tế khiến nhiều người chịu áp lực nặng nề, luôn có tâm thế phải đối mặt với thách thức, căng thẳng, lo âu” - BS Tuấn cho biết.
Những biến cố trong tình càm gia đình, lứa đôi là một trong những nguyên nhân đưa đến stress (Ảnh minh họa)
Cuộc sống bận rộn khiến chúng ta lãng quên stress của bản thân và cũng xem nhẹ ảnh hưởng của tình trạng này. Thực tế, stress có thể gây ra tổn thương theo nhiều cách hơn bạn tưởng tượng và nếu kéo dài, hệ lụy là “không thể đong đếm được”.
Stress không chỉ gây tổn thương về thần kinh, mà còn tổn thương sức khỏe toàn thân, gây ra nhiều bệnh tật như rối loạn giấc ngủ, rối loạn chức năng tình dục, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, basedow, viêm loét dạ dày, hội chứng đau nửa đầu, tai biến mạch não. Đặc biệt, các yếu tố gây stress nếu kéo dài sẽ đưa đến trầm cảm, chiếm đến 35% trong các trường hợp bị rối loạn tâm thần.
Mở cửa tâm hồn lẫn trái tim để gỡ rối stress
Người xưa có câu “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Stress cũng vậy. BS.CK2 Châu Văn Tuấn cho rằng, để đối phó tốt thì phải biết bản chất của stress, cố gắng hợp lý và mềm dẻo lúc giải quyết vấn đề. Từ đó xây dựng chiến lược kiểm soát khủng hoảng tâm lý, giảm sự đau khổ và thích nghi có hiệu quả hơn.
Điều trị stress không phải “một sớm, một chiều”, để mang lại hiệu quả đôi khi phải phối hợp nhiều biện pháp cần thiết. Trong đó, liệu pháp tâm lý đóng vai trò quan trọng trong điều trị phản ứng stress cấp, khi đó sẽ có những cách đối phó thích hợp để giải tỏa cho người bệnh hoặc phối hợp điều trị với các thầy thuốc chuyên khoa tâm thần.
BS.CK2 Châu Văn Tuấn cũng nhấn mạnh vai trò của người thân, gia đình, bạn bè - những người cận kề với người bệnh. Ngoài sự trợ giúp của thầy thuốc, thì người bên cạnh cần đưa người bệnh ra khỏi môi trường gây chấn thương tâm lý càng sớm càng tốt. Song song đó là động viên an ủi, giúp người bệnh thư giãn, hướng dẫn cách tập thở chậm rãi để giảm bớt các các triệu chứng khó chịu về cơ thể. Tránh gợi lại các khía cạnh của các chấn thương tâm lý.
Hãy để cơ thể bạn được nghỉ ngơi, thư giãn (Ảnh minh họa)
Thông thường, đối với stress ở mức độ nhẹ (đau đầu, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ) việc điều trị bằng thuốc là không cần thiết. Tuy nhiên, ở các trường hợp nặng gây ra các dấu hiệu như lo âu, hoảng sợ, trầm cảm, kích động… người bệnh nên đi khám và điều trị tại bệnh viện chuyên khoa tâm thần.
Khi đó, có thể bạn sẽ được chỉ định một số loại thuốc điều trị stress nặng: thuốc an thần nhóm benzodiazepin như Diazepam, Clonazepam, Alprazolam, Lorazepam, Tofisopam (Grandaxin); thuốc chống trầm cảm có đặc tính chống lo âu; thuốc chẹn beta (Propranolol, Atenolol,…) được sử dụng nếu stress nặng làm tăng huyết áp quá mức. Tuy nhiên, việc dùng thuốc phải dưới sự hướng dẫn, theo dõi của thầy thuốc, không tự ý sử dụng.
Stress rất dễ mắc phải nhưng cũng không quá khó để khắc phục nó. Chấp nhận thực tế khó khăn và cố gắng cải thiện, làm những điều tốt nhất. Ngay khi bạn bắt đầu cảm thấy chán nản hay mệt mỏi, hãy nhắc nhở bản thân: “Trong cuộc sống, điều gì mới thực sự quan trọng với mình và điều gì mình cần bỏ qua để tinh thần được thoải mái”.
Xem thêm >>> Cách chống lo âu, điều hòa thần kinh thực vật và không gây lệ thuộc thuốc hiệu quả
Website gồm các trắc nghiệm tâm lý giúp bước đầu sàng lọc các rối loạn tâm thần thường gặp như rối loạn lo âu và trầm cảm cho người dùng không phải là cán bộ y tế.
Xin lưu ý rằng các Trắc nghiệm này chỉ có ý nghĩa tầm soát. Việc chẩn đoán xác định nên được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa, sau khi đã được hỏi bệnh và thăm khám, bao gồm việc đánh giá mức độ suy giảm chức năng của bệnh nhân.