Trong môi trường xã hội phát triển hiện nay, tỉ lệ người có ý tưởng và hành vi tự sát ngày càng có xu hướng gia tăng; đặc biệt là những người trẻ tuổi, kể cả thanh thiếu niên. Việc tự sát dẫn đến tình trạng tử vong có nguyên nhân xuất phát từ các bệnh tâm thần và trầm cảm hay một bức xúc nào đó bị dồn nén trong cuộc sống đời thường mà không tự điều chỉnh được.
Ý tưởng và hành vi tự sát của con người được hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau có liên quan đến tiền sử sinh hoạt của cá nhân và gia đình, các bệnh về tâm thần, tâm phần phân liệt, rối loạn phân ly... Người có ý tưởng và hành vi tự sát rất cần được người trong gia đình phát hiện, giúp đỡ và xử trí kịp thời; kể cả khi đã có hành vi tự sát. Đồng thời việc phòng ngừa tự sát cũng là vấn đề trách nhiệm cần thiết được đặt ra cho cả gia đình, nhà trường và xã hội.
Nguyên nhân hình thành ý tưởng và hành vi tự sát
Các yếu tố nguy cơ có liên quan đến tiền sử: ý tưởng và hành vi tự sát có thể xảy ra ở những người sống thường bị cách ly, thiếu thốn về mặt sinh hoạt tình cảm hàng ngày như: người góa vợ hay góa chồng, người đã ly dị hay sống ly thân, người sống độc thân một mình... Đồng thời thường gặp trong các trường hợp người rơi vào những tình huống sang chấn tâm lý, làm ăn thất bại, nợ nần chồng chất, sự phản bội, tình cảm bị chia ly, tình yêu bị tan vỡ... Ngoài ra, các nhà khoa học ghi nhận ý tưởng và hành vi tự sát cũng hay xảy ra đối với những người mắc bệnh mạn tính, tiền sử gia đình có người chết do tự tử, mắc bệnh loạn thần kinh hưng phấn, bệnh trầm cảm tồn tại mang tính di truyền.
Phải quan sát, theo dõi những biểu hiện bất thường hoặc trạng thái trầm cảm có khả năng dẫn đến hành vi tự sát
Các bệnh về tâm thần có tính chất đặc biệt: do tính chất đặc biệt của một số bệnh về tâm thần, chúng có thể phát sinh ra ý tưởng và hành vi tự sát như trạng thái trầm cảm kèm theo hoang tưởng bị tội lỗi, cho rằng chính bản thân mình có phẩm chất xấu, có nhiều sai lầm, không đáng sống; nghĩ mình là người con bất hiếu, người vô dụng, có tội rất lớn và sự sai phạm này phải chết mới có thể đền được tội lỗi... Ngoài ra, bệnh tâm thần có trạng thái bị kích động, bồn chồn, căng thẳng, lo âu, mất ngủ... cũng có khả năng dẫn đến ý tưởng và hành vi tự sát.
Bệnh tâm thần phân liệt: tình trạng bệnh lý này gây nên xung động tự tấn công, tự hành hạ, tự hủy hoại bản thân mình hay tấn công người khác. Xung động thường xảy ra một cách kỳ lạ và không thể biết trước được. Ý tưởng và hành vi tự sát có thể là bước khởi đầu của bệnh. Tình trạng ảo giác bao gồm ảo thanh ra lệnh và xui khiến phải đi đến cái chết. Tình trạng hoang tưởng bị chi phối, bị điều khiển, bị hãm hại kéo dài làm phát sinh trạng thái tinh thần căng thẳng, đau khổ quá mức. Trên thực tế sự hoang tưởng kết hợp với ảo giác thường hình thành ý tưởng và thúc đẩy hành vi tự sát.
Bệnh rối loạn phân ly: có thể dẫn đến ý tưởng và hành vi tự sát theo nhiều phương thức khác nhau. Thông thường trong các tình huống bất toại, không đáp ứng được yêu cầu sở thích, mong muốn, toại nguyện sẽ nảy sinh ra ý tưởng và hành vi tự sát; đây được xem là một yêu sách thách thức về vấn đề tình cảm. Trong một số tình huống khi có sự bức xúc, căng thẳng; lúc đầu hình thành ý tưởng dọa tự sát rồi sau đó tự sát. Những trường hợp nghiện rượu, nghiện ma túy trong trạng thái độc lập hay kết hợp với các bệnh tâm thần khác cũng dễ dẫn đến ý tưởng và hành vi tự sát. Nghiện rượu, nghiện ma túy thường tạo nên yếu tố nguy cơ tự tử do bị trầm cảm tiềm tàng; trong đó nguy cơ chính là do hành vi nghiện ngập nặng. Ngoài ra, tình trạng loạn thần kinh thực thể, bị động kinh, có trạng thái lú lẫn... cũng có khả năng gây ra ý tưởng và hành vi tự sát; đây là một hiện tượng đáng lo ngại nhưng trên thực tế ít khi xảy ra.
Trách nhiệm gia đình
Đây là vấn đề khá quan trọng để chủ động phòng ngừa những tình huống xấu có thể xảy ra. Các thành viên trong gia đình có trách nhiệm phát hiện kịp thời người thân của mình có nguy cơ hình thành ý tưởng và hành vi tự sát; phải quan sát, theo dõi những biểu hiện bất thường hoặc trạng thái trầm cảm có khả năng dẫn đến hành vi tự sát với các dấu hiệu như có vẻ buồn rầu, nước mắt đọng lưng tròng, hay thở dài, thường xuyên không ngủ, không chịu ăn uống... Phải có thái độ ân cần chăm sóc, theo dõi sát người thân có các dấu hiệu này ở tất cả mọi nơi, mọi lúc. Chỗ ở, phòng ở và nơi sinh hoạt cần loại bỏ các đồ vật có thể sử dụng để làm phương tiện tự sát như dao sắt, kéo nhọn, dao lam, dao cạo, cốc, chén; chai, lọ thủy tinh; que sắt, que tre nhọn; dây cột, đồ vật bằng kim loại, gạch đá...
Một vấn đề cũng cần được quan tâm là gia đình nên đưa người thân có các biểu hiện nguy cơ đi khám chuyên khoa để chẩn đoán xác định tình trạng bệnh lý, có sự tư vấn cụ thể, xử trí điều trị và theo dõi. Nếu phải sử dụng thuốc điều trị để can thiệp cần thực hiện đúng theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Khi trình trạng bệnh lý xảy ra quá trầm trọng phải có biện pháp xử trí phù hợp theo ý kiến của thầy thuốc để chủ động ngăn ngừa ý tưởng và hành vi tự sát.
Xử trí can thiệp và phòng ngừa hành vi tự sát
Nếu phát hiện người đã có hành vi tự sát, phải xử trí can thiệp khẩn cấp tùy theo từng tình huống cụ thể. Đối với các trường hợp thắt cổ, phải nới lỏng đường thở, hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực; khi đã hồi phục được hô hấp, tuần hoàn mới chuyển đến bệnh viện nơi gần nhất để được tiếp tục hồi sức cấp cứu và điều trị. Đối với các trường hợp chết đuối, cần dốc ngược cho nước chảy ra khỏi đường thở; tiến hành hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực; khi đã hồi phục được hô hấp, tuần hoàn mới chuyển đến bệnh viện nơi gần nhất để được hồi sức cấp cứu và điều trị tiếp tục. Các trường hợp tổn thương khác do hành vi tự sát phải đưa ngay đến cơ sở y tế nơi gần nhất và thuận tiện nhất để được cấp cứu kịp thời.
Phòng ngừa người có yếu tố nguy cơ tự sát bằng cách phát hiện, theo dõi diễn biến bất thường của họ do nghiện rượu, nghiện ma túy, vi phạm pháp luật... để sớm có biện pháp tâm lý trị liệu, điều trị khi ghi nhận các triệu chứng trầm cảm, lo âu; gia đình và người thân, kể cả thầy thuốc là người có trách nhiệm theo dõi, phát hiện. Phòng ngừa người có ý tưởng tự sát bằng cách chủ động ngăn chặn ý đồ tự sát như đưa vào bệnh viện chuyên khoa, nếu cần có thể thực hiện việc cưỡng bức để nhập viện; phải theo dõi sát mọi hành vi, cử chỉ của người có ý tưởng tự sát liên tục 24/24 giờ kể cả ngày lẫn đêm; đồng thời cần điều trị theo y lệnh của bác sĩ, bảo đảm thuốc phải được uống trước mặt của thầy thuốc vì người có ý tưởng tự sát có thể thu dấu thuốc và không uống. Phòng ngừa tái diễn hành vi tự sát bằng cách chỉ cho xuất viện đối với người không còn ý tưởng tự sát; thoát khỏi tình trạng lo âu, trầm cảm; hết các biểu hiện loạn thần như hoang tưởng, ảo giác; phải duy trì việc điều trị ngoại trú thường xuyên, đều đặn bằng thuốc và tâm lý trị liệu; đồng thời cần thực hiện việc phục hồi chức năng tâm lý xã hội, nghề nghiệp, giúp đỡ tái hòa nhập gia đình và cộng đồng...
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH