Cần chủ động phòng bệnh viêm não Nhật Bản

27-07-2014 14:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Bệnh viêm não Nhật Bản được lây truyền từ động vật như lợn, chim sang người qua trung gian truyền bệnh của các loài muỗi Culex

Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản đang vào mùa, theo thống kê từ đầu năm 2014 đến nay nước ta đã có 319 người bị mắc bệnh gây 4 trường hợp tử vong. Bệnh đã có vắc-xin phòng bệnh nên cần chủ động sử dụng để phòng ngừa.

Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm virút cấp tính ở hệ thần kinh trung ương. Bệnh do virút viêm não Nhật Bản thuộc nhóm Flavi họ arbovirus nhóm B gây ra và chúng lưu hành rộng rãi ở Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Việt Nam, Lào, Campuchia, Singapore, Ấn Độ và vùng viễn đông của nước Nga. Ở Việt Nam, bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 9 với đỉnh cao là tháng 6 và 7. Khi bị mắc bệnh, bệnh cảnh lâm sàng thường diễn biến nặng và hay để lại di chứng liệt hoặc rối loạn thần kinh, tâm thần. Các nhà khoa học đã cho rằng bệnh viêm não Nhật Bản có tỉ lệ tử vong cao trong các loại bệnh nhiễm virút. Chúng có ổ bệnh thiên nhiên, chủ yếu nguồn bệnh virút hiện diện ở loài lợn và chim; những động vật khác như: trâu, bò, ngựa, chó, khỉ... cũng có thể bị nhiễm virút viêm não Nhật Bản nhưng vai trò truyền bệnh ít quan trọng hơn.

Các loài muỗi truyền bệnh

Bệnh viêm não Nhật Bản được lây truyền từ động vật như lợn, chim sang người qua trung gian truyền bệnh của các loài muỗi Culex như: Culex tritaeniorhynchus, Culex bitaeniorhynchus, Culex gelidus, Culex vishnui...; trong đó có hai loài quan trọng là muỗi Culex tritaeniorhynchus và Culex vishnui. Hai loài muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản thường sinh sản ở đồng ruộng lúa nước, buổi tối hay bay về chuồng gia súc để hút máu động vật là lợn bị nhiễm mầm bệnh, sau đó chúng đốt máu người và truyền bệnh sang cho người. Ở Việt Nam, các nhà khoa học đã xác định Culex tritaeniorhynchus là muỗi chủ yếu truyền bệnh viêm não Nhật Bản. Chim là ổ chứa virút chủ yếu trong thiên nhiên và lợn là ổ chứa quan trọng nhất trong súc vật nuôi gần người. Đặc điểm muỗi Culex tritaeniorhynchus có màu nâu đen, phát hiện nhiều ở vùng nông thôn, làng mạc tập trung đông dân cư và có nhiều hồ ao; chúng thường đẻ trứng ở những ao hồ, ruộng lúa với những trứng muỗi dính thành bè nổi trên mặt nước. Muỗi có tập tính hút máu về ban đêm cả trong nhà và ngoài nhà, thích hút máu chim, máu lợn nhiều hơn máu người; chúng thường trú ẩn ở các bụi rậm hoặc trong chuồng gia súc, nhất là chuồng lợn. Muỗi Culex tritarniorhuynchus có thể bay xa trên 1 cây số và bay cao từ 13 -15m nên có khả năng lây truyền virút viêm não Nhật Bản cho các loài chim. Muỗi bị nhiễm virút cũng có khả năng truyền bệnh suốt đời và truyền sang thế hệ sau qua trứng. Người và ngựa được xem là vật chủ cuối cùng của virút viêm não Nhật Bản vì virút có trong máu người với hiệu giá thấp không đủ để có thể tiếp tục lây truyền sang muỗi.

Biện pháp phòng bệnh

Viêm não Nhật Bản là bệnh do muỗi Culex truyền, vì vậy biện pháp phòng bệnh cũng giống như một số bệnh do muỗi truyền khác là tránh sự tiếp xúc với muỗi mang mầm bệnh. Có thể phòng bệnh bằng cách mặc áo quần dài bảo hộ; dùng thuốc xua, lưới bảo vệ nhà cửa, màn ngủ, hương xua muỗi và tránh các hoạt động ở ngoài trời vào buổi chiều tối. Việc phun tồn lưu hóa chất diệt muỗi ở nhà cửa, chuồng gia súc tại vùng nông thôn để phòng chống muỗi Culex truyền bệnh viêm não Nhật Bản thường không có hiệu quả do tập tính đốt máu và trú ẩn ngoài nhà của loài muỗi này. Ở một số vùng có điều kiện có thể phòng chống được bằng biện pháp dùng cá diệt bọ gậy; phòng chống nơi muỗi sinh sản, đẻ trứng ở ruộng lúa và hệ thống mương máng. Việc phun không gian hóa chất diệt muỗi ngoài trời cần được áp dụng khi có dịch bệnh bùng phát để hạ nhanh mật độ hoạt động của muỗi truyền bệnh. Ở những vùng thường có dịch bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành cần truyền thông giáo dục sức khỏe, vận động cộng đồng người dân chăn nuôi và nhốt gia súc ra xa nhà ở; đặc biệt đối với việc chăn nuôi lợn tại những vùng này.

Tiêm chủng vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản hoàn toàn miễn phí

Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nên ngoài các biện pháp phòng bệnh đã nêu trên, biện pháp tốt nhất vẫn là việc sử dụng vắc-xin phòng bệnh. Do vắc-xin viêm não Nhật Bản được cung cấp bởi chương trình quốc gia tiêm chủng mở rộng nên việc thực hiện tiêm chủng hoàn toàn miễn phí. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ theo đúng lịch quy định để bảo vệ tốt sức khỏe cho trẻ vì nước ta nằm trong vùng lưu hành bệnh viêm não Nhật Bản nên nguy cơ bị mắc bệnh là rất lớn.

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

 


Ý kiến của bạn