Các ca mắc rải rác tại 17 xã, phường, thị trấn thuộc 13 quận, huyện, thị xã. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, số ca mắc sởi trên địa bàn là 1.619 ca, hiện chỉ còn 5 trường hợp đang điều trị.
Số ca mắc sốt xuất huyết Dengue có xu hướng gia tăng
Cũng trong tuần, 14 trường hợp mắc tay chân miệng được ghi nhận, đưa tổng số ca mắc bệnh này trong gần 7 tháng qua là 372 ca. Đáng chú ý, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue có xu hướng gia tăng. Hà Nội ghi nhận thêm 232 trường hợp mắc mới. Các ca mắc rải rác tại 104 xã, phường, thị trấn của 23 quận, huyện, thị xã. Những quận, huyện có số ca ghi nhận cao trong tuần là: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thường Tín, Cầu Giấy, Thanh Trì.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 1.604 ca mắc sốt xuất huyết, hiện còn 212 ca đang điều trị, chưa có trường hợp nào tử vong.
Sở Y tế Hà Nội đánh giá, mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ của giai đoạn 5 năm (2014-2018) và chưa ghi nhận ca bệnh tử vong nhưng dịch bệnh lại có xu hướng gia tăng nhanh trong các tuần của tháng 7.
Về bệnh sởi, thời gian qua, số ca mắc sởi đã giảm mạnh so với các tuần trước đó. Tuy nhiên, để chủ động phòng chống dịch bệnh này, các đơn vị cần tiếp tục tăng cường công tác tiêm chủng phòng bệnh theo quy định.
Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết ở quận Hoàng Mai.
Mỗi người dân cần chủ động diệt bọ gậy và diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết
Nhận định về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian tới, theo các chuyên gia, đây là bệnh lưu hành thường xuyên tại Hà Nội, trung bình hàng năm ghi nhận khoảng 5.000 trường hợp mắc. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy các yếu tố nguy cơ để dịch bệnh sốt xuất huyết phát sinh, phát triển thành dịch vẫn luôn tồn tại như tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng là nơi muỗi đẻ trứng, mật độ dân cư cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ...
Đồng thời, thời tiết mùa hè nắng nóng mưa nhiều như hiện nay đang là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển; bệnh chưa có vắc xin phòng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên dịch bệnh có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm 2019.
Vì vậy, để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tập trung các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết; khẩn trương hoàn thiện Đề án phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn và sớm triển khai thực hiện theo nhiệm vụ cụ thể của từng năm. Trước mắt, căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh của địa phương để có phương án phòng chống dịch theo từng tình huống dịch chi tiết, chủ động vệ sinh môi trường và phun hóa chất diện rộng tại các xã, phường có nguy cơ. Các đơn vị thường xuyên rà soát lại máy móc, trang thiết bị và đảm bảo dự trù, tổ chức mua sắm đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch.
Các chuyên gia nhấn mạnh, một trong những biện pháp phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả, dễ nhớ, dễ thực hiện là mỗi người dân, từng gia đình cần nâng cao nhận thức về bệnh sốt xuất huyết và các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết. Ngành y tế thường xuyên phát động mô hình diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng với thông điệp “không có bọ gậy, không có muỗi sốt xuất huyết” nhằm nâng cao ý thức người dân chủ động diệt bọ gậy trong nhà và môi trường xung quanh nhà. Qua đó, mỗi người dân tự lật úp các dụng cụ chứa nước trong nhà, ngoài trời để tìm diệt bọ gậy tại gia đình; áp dụng các biện pháp phòng muỗi đốt như ngủ màn ngay cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, vợt diệt muỗi; phối hợp với chính quyền địa phương trong các chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi.
Sở Y tế Hà Nội đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh chủ động đề xuất phương án cung ứng thuốc, liên hệ với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và chuẩn bị sẵn sàng cơ số phòng chống dịch. Đặc biệt, thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình bệnh dịch sốt xuất huyết để phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại cơ sở khám chữa bệnh, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc. Sở Y tế đặc biệt nhấn mạnh đến việc các cơ sở khám chữa bệnh không để thiếu thuốc cho công tác khám chữa bệnh, điều trị sốt xuất và các bệnh có thể phát sinh sau mùa mưa bão, lũ lụt trên địa bàn thành phố.
Với các cơ sở kinh doanh thuốc, Sở Y tế yêu cầu chuẩn bị nguồn thuốc có chất lượng, giá thành hợp lý để ưu tiên cung ứng kịp thời, đầy đủ cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh và điều trị cho người dân mắc bệnh dịch.