Nhận mức phụ cấp phù hợp đối với môi trường làm việc
ĐBQH Nhị Hà cho rằng, cán bộ y tế làm việc trong môi trường hết sức đặc thù, đặc biệt. Ngoài những công việc thông thường như những viên chức và người lao động khác thì cán bộ y tế trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn… luôn là lực lượng tuyến đầu để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân. Với tính chất như vậy, cán bộ y tế luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm.
Liên quan đến sắp cải cách tiền lương đối với viên chức, người lao động, trong đó có cán bộ y tế là một vấn đề rất quan trọng, giúp đỡ phần nào cho những khó khăn. Bên cạnh đó, khi cải cách tiền lương cũng sẽ có những quy định nhằm tăng đãi ngộ, có những hệ số phụ cấp cho cán bộ y tế công tác đặc thù, đặc biệt.
ĐBQH Nhị Hà lấy ví dụ: Làm việc trong môi trường ô nhiễm, làm việc tiếp xúc với bệnh nhân HIV/AIDS hay cán bộ y tế làm việc ở những môi trường xét nghiệm độc hại sẽ có những chế độ phụ cấp từ 0,2; 0,3; 04; 0,7... Do đó, có những cán bộ y tế nhận được mức phụ cấp phù hợp đối với môi trường làm việc.
Cần những giải pháp quan trọng hơn, căn cơ
Trước câu hỏi của báo chí về việc liệu rằng khi cải cách chính sách tiền lương có giải quyết được mức lương khởi điểm của bác sĩ thấp hay không. Đại biểu Nhị Hà cho rằng, cũng chỉ tháo gỡ một phần khs khăn, vướng mắc. Điều quan trọng là cần có những giải pháp quan trọng hơn, căn cơ hơn để bảo đảm tu nhập và thu hút nhân tài. Đặc biệt hơn là chú ý đến chế độ nhằm thu hút nhân lực cho y tế cơ sở, trạm y tế xã/phường.
Bà Nhị Hà phân tích thêm, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 nên phải nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở. Nếu không có nhân lực tốt thì làm giảm việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Bên cạnh đó, ngoài chế độ tiền lương, chế độ đãi ngộ cũng cần có một cơ chế tài chính phù hợp để tăng thêm mức thu nhập ngoài tiền lương.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để thực hiện điều đó thì cần phải có những biện pháp mạnh mẽ, cụ thể, rõ ràng đối với cơ chế tài chính, đặc biệt đối với y tế cơ sở. Bởi, khi thu hút nhân lực về tuyến cơ sở thì cũng phải có những chế độ đãi ngộ lần đầu để thu hút.
Liên quan đến câu hỏi về việc cán bộ y tế phải "chân trong, chân ngoài" và sau khi cải cách tiền lương có còn xảy ra không? Bà Nhị Hà cho rằng, cán bộ y tế có thể tham gia cơ sở hành nghề y dược tư nhân và quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng công bằng giữa công và tư. Người dân có thể được phục vụ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc y tế tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn.
Tuy nhiên, bà Nhị Hà nghĩ rằng, các cơ sở y tế công lập còn có một nhiệm vụ rất quan trọng. Đó là phục vụ những người già, những người yếu thế, những trẻ em và người nghèo, những vùng sâu, vùng xa mà không đủ điều kiện kinh tế để có thể tham gia sử dụng dịch vụ tại cơ sở y tế tư nhân. Vì vậy, rất cần quan tâm đến chế độ, chính sách dành cho cán bộ y tế ở các tuyến cơ sở y tế công lập. Chúng ta cũng cần đẩy tiến độ ban hành các văn bản và cải cách tiền lương cũng phải có một chính sách toàn diện, để quan tâm đến cán bộ y tế từ thu nhập đến môi trường làm việc.
Đồng thời, cũng phải có những chính sách về cung cấp trang thiết bị, thuốc, hóa chất... để cán bộ y tế yên tâm và được sử dụng những trang thiết bị y tế hiện đại để phát triển chuyên môn tốt nhất. Như vậy, khi phát triển chuyên môn được thì thu nhập của cán bộ y bác sĩ tăng cao. Đây cũng là cách để chúng ta có thể giữ chân cán bộ y tế làm việc trong các cơ sở công lập.