Hôm nay - 20/12, tại Hà Nội, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Trường Đại học Y tế Công cộng phối hợp tổ chức Hội thảo Xây dựng Kế hoạch truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là phòng, chống thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác.
Đây là một phần quan trọng trong chiến lược phòng, chống tác hại thuốc lá giai đoạn 2025-2030, đặc biệt sau khi Quốc hội chính thức ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025.
Mục tiêu chính của chiến lược truyền thông lần này là ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới trong cộng đồng, đặc biệt là ở giới trẻ.
Tại hội nghị, GS.TS Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng cảnh báo thuốc lá hiện nay đang là vấn nạn y tế công cộng, gây ra nhiều bệnh tật và tử vong, đặc biệt là đối với giới trẻ và phụ nữ.
"Đặc biệt tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới đang có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là trong giới nữ, do đó, việc truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá mới cần được chú trọng hơn nữa"- GS.TS Hoàng Văn Minh nói và nhấn mạnh thêm: Việc Quốc hội ra Nghị quyết cấm toàn bộ thuốc lá mới rất quan trọng, nhưng hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá mới càng quan trọng. Do đó, cần sự đổi mới, sáng tạo trong hoạt động truyền thông.
ThS.BS Phan Thị Hải, Phó Giám đốc phụ trách, quản lý, điều hành Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cho rằng, việc thay đổi thói quen sử dụng thuốc lá trong cộng đồng không thể thiếu sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, gia đình và nhà trường.
"Do đó, tới đây, quá trình tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá sẽ được thiết kế phù hợp với từng đối tượng cụ thể để tạo ra sự đồng thuận trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của thuốc lá mới vào giới trẻ.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp chiến dịch truyền thông hiệu quả chính là việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận giới trẻ"- ThS.BS Phan Thị Hải nói.
Đồng quan điểm về nội dung này, ThS. Nhà báo Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương cho rằng mục đích của công tác truyền thông là hạn chế việc sử dụng thuốc lá.
Do đó, theo ông Cường cần nâng cao nhận thức cho đối tượng hàng đầu là thanh, thiếu niên với việc đẩy mạnh truyền thông số trên mạng xã hội như Tik Tok, Youtube, vì hiện nay giới trẻ chủ yếu lướt web, dùng mạng xã hội.
Theo đó, nội dung truyền thông chính với giới trẻ là tập trung về tác hại của thuốc lá mới với sức khỏe và sức khỏe sinh sản, cũng như các thủ đoạn tinh vi của ngành công nghiệp thuốc lá trong việc lôi kéo thanh, thiếu niên sử dụng thuốc lá mới, để họ cảnh giác.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng không chỉ gây nghiện mà còn tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ giới. Việc tuyên truyền về những mối nguy này là một phần quan trọng để thay đổi nhận thức và hành vi của giới trẻ đối với thuốc lá mới.
Thông tin tại hội thảo cũng cho thấy, các tổ chức quốc tế cũng đã khẳng định rằng cần phải tiến hành truyền thông không chỉ về tác hại của thuốc lá mới mà còn để làm thay đổi thói quen hút thuốc lá truyền thống, từ đó bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Theo dự thảo Kế hoạch truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là phòng, chống thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác, giai đoạn 2025 - 2030, Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ tập trung thực hiện Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, với nội dung "cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025".
Mục tiêu truyền thông nhằm ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Cụ thể, Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội... để nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các sản phẩm thuốc lá mới cho cộng đồng, đặc biệt là thanh thiếu niên;
Nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật liên quan đến quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các quy định về kiểm tra, xử phạt.
Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá đồng thời huy động, tăng cường sự tham gia của các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và những người có uy tín trong cộng đồng, nhà trường, gia đình... trong việc tuyên truyền ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các sản phẩm thuốc lá mới khác.
"Mỗi đối tượng truyền thông sẽ có thông tin tiếp cận phù hợp, để tạo sự đồng lòng trong việc ngăn ngừa thuốc lá mới" -ThS. BS Phan Thị Hải cho biết.