PGS.TS. Tạ Văn Bình
Phóng viên:Thưa ông, ĐTĐ là một bệnh được đánh giá là một “đại dịch” của thế kỷ 21. Cùng với thế giới, Việt Nam đã có những biện pháp phòng chống đại dịch này, trong đó phải kể đến sự đầu tư để phát triển về nhân lực cũng như chuyên môn của các bác sĩ chuyên ngành ĐTĐ. Xin ông đánh giá về sự phát triển của chuyên ngành này ở nước ta trong 10 năm qua?
PGS.TS. Tạ Văn Bình: Chuyên ngành Nội tiết chuyển hóa - Đái tháo đường là một chuyên ngành có tính chuyên môn sâu, đòi hỏi phải có thời gian, có sự đầu tư lớn về tiền của và sức lực mới mong có được một nền tảng vững chắc để phát triển. Song cái quan trọng nhất là phải có tầm nhìn chính xác để vạch ra chiến lược phát triển đúng vừa đi tắt đón đầu cho kịp với sự phát triển đến chóng mặt của thế giới, vừa tránh được những sai sót của các quốc gia đi trước, vừa bổ sung những thiếu hụt mà các quốc gia đang phát triển thường mắc phải trong quá trình tự hoàn thiện mình. Ở Việt Nam trong thời gian qua nhìn chung là có sự phát triển đúng hướng, nhưng thời gian gần đây bộc lộ nhiều điểm yếu cần nhanh chóng khắc phục.
Về đào tạo, hiện nay trừ Trường đại học Y - Dược TP.HCM đã có bộ môn bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hoá từ trước đó, còn lại các Trường đại học Y - Dược trên toàn quốc đều mới thành lập hoặc chưa có bộ môn đào tạo riêng chuyên ngành này. Nguồn lực bổ sung cho chuyên ngành nội tiết chủ yếu là các bác sĩ chuyên khoa nội chung. Vì vậy, cho tới nay chúng ta chưa có nhiều các thầy thuốc chuyên ngành đạt theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế. Thực tế này còn tồn tại ngay ở các tuyến trung ương và khu vực. Điều này được lý giải bởi chúng ta cho phép lấy các bác sĩ vừa tốt nghiệp đại học vào làm ngay ở các bệnh viện chuyên khoa. Tại các tuyến huyện và xã, lực lượng cán bộ thành thạo khám, tư vấn, sàng lọc phát hiện sớm bệnh ĐTĐ còn là một vấn đề nan giải, mà người dân chủ yếu sống gần y tế xã phường. Do vậy nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở là một đòi hỏi cấp bách cho dự án.
Y tế cơ sở giúp kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường trong cộng đồng.
Phóng viên: Theo ông, để khắc phục tình trạng trên, chúng ta cần làm gì?
PGS.TS. Tạ Văn Bình: Bệnh ĐTĐ hoàn toàn có thể dự phòng được, nếu như y tế tuyến cơ sở phát triển tốt, bởi y tế tuyến cơ sở sẽ là nơi quản lý người bệnh giúp cho người bệnh đỡ phải tốn kém chi phí đi lại...
Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi một thời gian nhất định. Hiện tại, ở các bệnh viện trung ương có chuyên ngành nội tiết phát triển đã mở được các lớp chuyên khoa định hướng chuyên ngành. Ngoài ra, theo tôi, còn cần tăng cường đào tạo chuyên khoa tại các tuyến cơ sở, từ đó nâng cao kiến thức chuyên ngành cho các bác sĩ tuyến tỉnh, huyện thậm chí tới tuyến xã…; trang bị các kiến thức cơ bản và nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyên ngành Nội tiết chuyển hóa cho các đội ngũ sinh viên của các trường đại học y trên cả nước; mở rộng quan hệ quốc tế giúp đào tạo các bác sĩ trẻ phát triển chuyên ngành tốt hơn nữa…
Phóng viên: Từ khi bắt đầu dự án đến nay, ông có nhận xét gì về hiệu quả của việc phòng chống ĐTĐ tại cộng đồng và những khó khăn trong việc phát hiện và quản lý bệnh nhân?
PGS.TS. Tạ Văn Bình: Thời gian đầu chúng ta đã làm khá tốt, cụ thể đã thành lập được hệ thống quản lý các bệnh Nội tiết - Chuyển hóa ở 64 tỉnh, thành phố - nay là 63 tỉnh thành trong cả nước, thậm chí có những bệnh viện Nội tiết tuyến tỉnh. Do vậy người bệnh đã được khám chữa các bệnh này ở tuyến tỉnh. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, khi bệnh ĐTĐ và các rối loạn chuyển hóa ngày càng gia tăng thì phát sinh một số vấn đề cần khắc phục. Quan trọng nhất chính là vấn đề quản lý công tác khám chữa bệnh (bao gồm việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh…). Như trên tôi đã đề cập, nổi bật nhất là vấn đền nhân lực - trình độ chuyên môn của cán bộ làm việc trong hệ thống cho đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Hơn nữa, bệnh ĐTĐ mặc dù được xếp vào hàng nguy hiểm, nhưng do diễn biến của bệnh rất thầm lặng, không có biểu hiện gì rõ rệt, cho đến khi có triệu chứng rồi thì bệnh đã ở giai đoạn muộn và có biến chứng. Nhóm tuổi mắc ĐTĐ cũng đang có xu hướng trẻ hoá, mà nhóm người này lại càng dễ chủ quan với bệnh tật. Thực tế có tới 60% - 70% số người mắc bệnh không biết mình bị bệnh. Ngay cả những bệnh nhân đã được chẩn đoán, việc điều trị chưa phải là tối ưu, đa số các bệnh nhân không đạt được mục tiêu điều trị. Việc điều trị bệnh ĐTĐ vẫn còn gặp nhiều khó khăn do vấn đề tự quản lý bệnh của bệnh nhân Việt Nam còn chưa tốt. Điều đó làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng điều trị và tăng gánh nặng chi phí. Do đó, vấn đề nâng cao nhận thức cho bệnh nhân tự quản lý bệnh kết hợp điều trị tích cực ngay từ những ngày đầu tiên đóng vai trò quan trọng trong cải thiện chất lượng và giảm chi phí điều trị.
Phóng viên: Vừa qua, Bộ Y tế triển khai dự án “Quản lý bệnh tăng huyết áp và ĐTĐ tại tuyến xã/phường”, ông nhận định dự án này sẽ mang lại lợi ích gì cho bệnh nhân và liệu nó có giúp dự án ĐTĐ quản lý bệnh nhân tốt hơn?
PGS.TS. Tạ Văn Bình: Theo tôi, dự án này có lẽ sẽ có ích vì nó giúp giải quyết được các điểm yếu như tôi đề cập trên. Đó là khâu nhân lực còn quá mỏng và yếu về chuyên môn của tuyến cơ sở. Nhưng tôi cho rằng, cần có một thời gian để bù đắp lỗ hổng kiến thức cho nhân viên y tế ở tuyến cơ sở. Nhiều quốc gia trên thế giới không có hệ thống chuyên ngành như chúng ta, họ chỉ có hệ thống chuyên khoa trong đa khoa. Vì thế khi cần thì họ bổ sung kiến thức chung rất tốt, bởi người thầy thuốc không thể chỉ biết chữa đái tháo đường mà không biết chữa các biến chứng về thận, về tiêu hóa… Còn chúng ta càng chuyên sâu quá sớm, ngay từ khi mới ra trường thì khả năng trở thành một bác sĩ nội khoa chung đủ kinh nghiệm cũng đã khó, nên vấn đề điều trị chuyên khoa sâu nhưng đòi hỏi phải có đủ kinh nghiệm về bệnh học nói chung, các vấn đề đi kèm (như các biến chứng của bệnh ĐTĐ) lại càng khó hơn. Tại tuyến trung ương, khi điều trị cho một bệnh nhân ĐTĐ đã có biến chứng, chúng ta vẫn thường cần phải kết hợp với các bác sĩ chuyên ngành khác, như phối hợp bác sĩ nội tiết với bác sĩ chuyên khoa mắt; bác sĩ nội tiết với bác sĩ tim mạch/thận… Như vậy, trong một thời gian ngắn, bác sĩ tuyến cơ sở khó có đáp ứng được đòi hỏi này.
Kỹ năng tư vấn rất quan trọng với người bệnh
Phóng viên: Thưa PGS, lộ trình triển khai quản lý, điều trị bệnh ĐTĐ tại y tế cơ sở áp dụng “Nguyên lý y học gia đình” là gì và nó có những ưu - nhược điểm gì?
PGS.TS. Tạ Văn Bình: Nguyên lý y học gia đình có thể hiểu là việc khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, bước đầu quản lý sức khỏe cho các cá nhân, liên hệ với gia đình, hướng tới quản lý toàn diện và liên tục. Nó giúp cải tiến công tác khám chữa bệnh ban đầu, xây dựng mô hình chăm sóc ban đầu toàn diện theo các nguyên lý y học gia đình nhằm thu hút người dân đăng ký BHYT tại phòng khám đa khoa và trạm y tế, góp phần giảm quá tải bệnh viện…
Khi triển khai mô hình bác sĩ gia đình tại tuyến xã sẽ giúp người dân quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục. Khi công tác quản lý được triển khai tốt thì chính người dân được hưởng lợi, nhất là những người có bệnh di truyền. Đây là giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho toàn dân, kiểm soát được bệnh tật, giảm tỷ lệ mắc, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Riêng đối với bệnh ĐTĐ thì áp dụng nguyên lý này còn có ưu điểm là chúng ta sẽ phát hiện sớm và quản lý sớm những đối tượng là mục tiêu của dự án. Nhưng để đảm bảo mô hình đạt hiệu quả, những người thực thi nhiệm vụ này cần phải làm một cách nghiêm túc.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Phó giáo sư!