Cận cảnh tuyến đường trọng điểm gần 500 tỉ đồng chậm tiến độ ở Hà Nội

18-12-2023 14:32 | Xã hội

SKĐS - Dự án đường Lại Yên – Vân Canh (Hà Nội) được xem là dự án giao thông trọng điểm liên kết các trục giao thông, đô thị. Dự kiến hoàn thành vào quý III/2022 nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn tất.

Cận cảnh loạt lô cốt "bóp nghẹt" nhiều tuyến đường Hà NộiCận cảnh loạt lô cốt 'bóp nghẹt' nhiều tuyến đường Hà Nội

SKĐS - Hàng chục rào chắn để thi công dự án trọng điểm được dựng lên khiến nhiều tuyến đường ở Thủ đô Hà Nội bị thu hẹp, gây ách tắc nghiêm trọng, đặc biệt tại giờ cao điểm.

Dự án tuyến đường Lại Yên - Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) nằm trong các dự án giao thông trọng điểm được triển khai giai đoạn 2018 - 2020 với mục tiêu tạo những tuyến đường có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh.

Theo đó, dự án hoàn thành được kỳ vọng sẽ kết nối giao thông giữa các khu dân cư, khu đô thị, cụm công nghiệp, kết nối quốc lộ 32, tỉnh lộ 422, Đại lộ Thăng Long…

Dự án xây dựng đường Lại Yên - Vân Canh (đoạn từ đường liên khu vực 2 đến đường Vành đai 3,5) dài 2,9km, rộng 40m. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 469 tỉ đồng, do UBND huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư. Tổng diện tích đất phải thu hồi phục vụ dự án 12,35ha, nằm trên địa bàn 3 xã Song Phương, Lại Yên, Vân Canh, liên quan đến 248 hộ gia đình, cá nhân.

Cận cảnh tuyến đường trọng điểm gần 500 tỉ đồng ở Hà Nội- Ảnh 2.

Dự án đường Lại Yên – Vân Canh được xem là dự án giao thông trọng điểm. Việc hoàn thành dự án tạo liên kết các trục giao thông, đô thị, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội khu vực.

Được khởi công từ tháng 10/2020, dự án này dự kiến hoàn thành vào quý III/2022 nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn tất đưa vào sử dụng.

Ghi nhận của PV, sau 3 năm thi công, nhiều đoạn của công trình đã được thảm nhựa mặt đường, hệ thống hoát nước, lát đá vỉa hè, trồng nhiều cây xanh tạo bóng mát, người dân đã có thể sử dụng đi lại.

Thế nhưng vẫn còn nhiều đoạn đang dang dở, ngổn ngang đất đá, vật liệu xây dựng. Tuy vậy, người dân khu vực vẫn thường xuyên sử dụng đi lại từ xã Vân Canh qua các xã Lại Yên, Song Phương,... và ngược lại. Ngoài ra, đoạn khoảng hơn 100 m tại khu vực xã Vân Canh chưa giải phóng xong mặt bằng, đoạn cuối dự án (tiếp giáp Vành đai 3,5, xã Vân Canh) vẫn chưa di dời hạ tầng điện.

Hiện, tại một số đoạn đường, chủ đầu tư hiện huy động nhiều máy móc, nhân công để đẩy nhanh tiến độ dự án tại các hạng mục như san ủi mặt bằng, bó vỉa, đo đạc...

Cận cảnh tuyến đường trọng điểm gần 500 tỉ đồng ở Hà Nội- Ảnh 3.

Dự án này dự kiến hoàn thành vào quý III/2022 nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn tất đưa vào sử dụng.

Theo người dân sinh sống tại khu vực này, một phần dự án đã hoàn thành giúp bà con đi lại thuận tiện hơn, rút ngắn thời gian di chuyển so với trước đây khá nhiều. 

"Trước khi đường chưa được xây dựng, người dân phải đi đường vòng xa thêm mấy km. Mong cả đoạn đường sớm được hoàn thành, vì thi công kéo dài khiến trời nắng bụi mù mịt, mưa thì lầy lội" - bà Vân (56 tuổi, xã Lại Yên) chia sẻ.

Liên quan đến tiến độ dự án này, ông Phạm Gia Lộc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức thông tin, đường Lại Yên - Vân Canh đã thực hiện được hơn 80% tổng khối lượng công việc, như thảm nhựa mặt đường lớp 1 (đạt hơn 80%), làm hệ thống thoát nước mưa (95%), hoàn thiện vỉa hè (hơn 70%), trồng hơn 400 cây bóng mát... Về cơ bản, đường Lại Yên - Vân Canh đã thông xe một phần - đoạn qua địa bàn xã Lại Yên, giúp nhân dân đi lại thuận tiện.

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường Lại Yên - Vân Canh, ông Nguyễn Thế Minh, Chủ tịch UBND xã Vân Canh cho biết, hiện xã có 413 ngôi mộ đã được di chuyển, 45 ngôi mộ còn lại, xã đang tuyên truyền, vận động người dân di dời xong trong quý IV/2023 để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Trong phạm vi thực hiện dự án đường Lại Yên - Vân Canh còn có 1.080m2 nằm trong diện tích đất quốc phòng, đang được UBND thành phố và bộ, ngành liên quan phối hợp, giải quyết theo quy định.

Một số hình ảnh Trong phạm vi thực hiện:

Cận cảnh tuyến đường trọng điểm gần 500 tỉ đồng ở Hà Nội- Ảnh 4.

Dự án tuyến đường Lại Yên - Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) nằm trong các dự án giao thông trọng điểm được triển khai giai đoạn 2018 - 2020. Dự án giúp kết nối giao thông giữa các khu dân cư, khu đô thị, cụm công nghiệp, kết nối quốc lộ 32, tỉnh lộ 422, Đại lộ Thăng Long…

Cận cảnh tuyến đường trọng điểm gần 500 tỉ đồng ở Hà Nội- Ảnh 5.

Một phần dự án đã hoàn thành tạo bộ mặt khác biệt cho khu vực xã Lại Yên.

Cận cảnh tuyến đường trọng điểm gần 500 tỉ đồng ở Hà Nội- Ảnh 6.

Phần dự án đã hoàn thành giúp người dân rút ngắn vài km so với việc phải đi vòng như trước kia.

Cận cảnh tuyến đường trọng điểm gần 500 tỉ đồng ở Hà Nội- Ảnh 7.

Một số đoạn đang thi công ngổn ngang đất đá, vật liệu xây dựng.

Cận cảnh tuyến đường trọng điểm gần 500 tỉ đồng ở Hà Nội- Ảnh 8.

Dù chưa hoàn thành nhưng người dân vẫn tận dụng đi qua các khu vực đang thi công.

Cận cảnh tuyến đường trọng điểm gần 500 tỉ đồng ở Hà Nội- Ảnh 9.

Theo người dân sinh sống khu vực này, một số đoạn thi công kéo dài khiến trời nắng bụi mù mịt, mưa thì lầy lội.

Cận cảnh tuyến đường trọng điểm gần 500 tỉ đồng ở Hà Nội- Ảnh 10.

Khoảng hơn 100m thuộc xã Vân Canh chưa có mặt bằng để thi công.

Cận cảnh tuyến đường trọng điểm gần 500 tỉ đồng ở Hà Nội- Ảnh 11.

Đoạn cuối dự án giao với đường Vành đai 3,5 hiện vẫn chưa di dời hạ tầng điện.

Cận cảnh tuyến đường trọng điểm gần 500 tỉ đồng ở Hà Nội- Ảnh 12.

Nhiều đoạn trụ bê tông cắm thép chĩa dài ra phía ngoài, tiềm ẩn nguy hiểm cho người tham gia giao thông, đặc biệt vào buổi tối.

Cận cảnh tuyến đường trọng điểm gần 500 tỉ đồng ở Hà Nội- Ảnh 13.

Hiện chủ đầu tư đang huy động nhiều máy móc đẩy nhanh tiến độ san lấp mặt bằng.

Cận cảnh tuyến đường trọng điểm gần 500 tỉ đồng ở Hà Nội- Ảnh 14.

Một số đoạn được huy động nhân công thực hiện.

Cận cảnh tuyến đường trọng điểm gần 500 tỉ đồng ở Hà Nội- Ảnh 15.

Các đơn vị chức năng của huyện đang phối hợp với chính quyền các xã vận động người dân sớm nhận đền bù; đôn đốc các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ, cuối năm 2023 sẽ cơ bản hoàn thành đưa vào khai thác.

Xem thêm video được quan tâm:

Quá trình ra đời Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) | SKĐS


Minh Ngọc
Ý kiến của bạn