Ở Huế, kẹo cau là một loại thức ăn nổi tiếng. Mặc dù có tên gọi như vậy nhưng nguyên liệu của loại kẹo này không hề chứa thành phần từ quả cau. Tên gọi này xuất phát từ hình dạng kẹo giống múi cau, với vỏ trắng bóng, ruột vàng óng.
Kẹo cau là món ăn đặc trưng, gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ sinh ra ở mảnh đất Cố đô.
Khi xưa, kẹo cau cực kỳ hấp dẫn, vị ngọt thanh của loại kẹo này đã trở thành ký ức của những người Huế.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề, bà Hồ Thị Thu Tâm (62 tuổi, trú phường Phú Hậu, quận Phú Xuân, TP Huế) là người hiếm hoi còn duy trì nghề làm kẹo cau ở TP Huế. Bà Tâm cho biết, dù nguyên liệu đơn giản, nhưng các công đoạn làm kẹo vô cùng phức tạp và vất vả.
Để cho ra những viên kẹo cau chuẩn vị, người làm phải chuẩn bị 3 nguyên liệu chính, gồm đường, mật nha và gừng.
Đầu tiên, trộn đường, nước và mật nha với nhau rồi đem đi nấu với lửa lớn. Lửa đỏ liên tục 30 phút kẹo sẽ chín tới. Tiếp đến, sử dụng gừng giã mịn hòa quyện. Thời điểm này, nguyên liệu đang ở nhiệt độ rất cao và rất dẻo, người thợ phải đổ ra thau mới và để nổi trên mặt nước lớn, xoay trong vòng 10 phút kẹo sẽ cứng lại.
Đến công đoạn khó nhất và vất vả nhất là tách 1/3 nguyên liệu.
Để tránh kẹo cau bị kết dính với nhau, người thợ sẽ dùng bột mì để xoa đều bên ngoài giúp viên kẹo có bề ngoài màu trắng. Tiếp đến, mọi người sẽ xúm lại với nhau để dùng dao, gậy bổ kẹo thành 4 như miếng cau.
Sau khi hoàn thành các công đoạn, kẹo cau được đóng gói, bán ra thị trường. Hiện nay, kẹo cau được bày bán khá phổ biến tại các chợ lớn ở Huế và các quầy đặc sản xứ Huế.
Theo người dân, để làm ra món kẹo cau đòi hỏi trải qua 5 công đoạn. Dù vất vả, thu nhập thấp, nhưng vì yêu nghề truyền thống nên họ vẫn duy trì và sẽ truyền lại nghề cho các thế hệ sau.
Hương vị của kẹo cau đậm đà, ngọt thanh, thường được dùng để làm quà, mỗi dịp Tết, kẹo được bày soạn để đãi khách... Dù nghề làm kẹo cau ngày nay chỉ còn một vài hộ duy trì, nhưng khi nhắc về món ăn này, nhiều người Huế vẫn không thể nào quên vì đây là thức quà gắn với tuổi thơ của họ.