Hà Nội

Cận cảnh Ngày thơ Việt Nam 2018

02-03-2018 13:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI – năm 2018 với các sự kiện chính đã diễn ra vào ngày 2/3 (Rằm tháng Giêng năm Mậu Tuất) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) với nhiều điểm mới, với mong muốn của những người tổ chức nhằm đưa sự kiện này dần trở thành Ngày Văn học Việt Nam.

Với chủ đề “Nhà văn Việt Nam đồng hành cùng đất nước”, Ngày Thơ Việt Nam năm nay hướng tới việc đồng hành với những vấn đề sống còn của dân tộc, của nhân dân, với người lao động sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, nhất là những con người đang đứng ở “đầu sóng, ngọn gió” bảo vệ toàn vẹn Tổ quốc.

Cánh buồm thơ - biểu tượng Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI

Biểu tượng chính của Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI là “Cánh buồm thơ”.  Lần đầu tiên, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức hai sân thơ: Sân thơ truyền thống và Sân thơ trẻ ở Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI.

Năm nay, Ngày thơ có sự tham gia của 60 câu lạc bộ thơ với các hoạt động trình diễn, giới thiệu thơ... Đặc biệt, 4 nhà thơ tiêu biểu đến từ Hội Nhà thơ Nhật Bản cũng gặp gỡ, giao lưu với công chúng yêu thơ Việt Nam ở hai sân thơ. Nghi thức thả thơ diễn ra sau lễ khai mạc với 50 câu thơ được chọn. Đây là những câu thơ hay, đại diện cho các thế hệ, tôn trọng tính đa dạng nhưng vẫn tập trung vào chủ đề đồng hành cùng đất nước.

Màn nghệ thuật hát múa đặc sắc tại Sân thơ truyền thống

Trong khuôn khổ ngày thơ lần này, Ban tổ chức cũng đã mở triển lãm chân dung và hình ảnh các nhà văn Việt Nam tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 giúp công chúng có thêm những góc nhìn sâu sắc về lịch sử hào hùng của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào và tình yêu quê hương đất nước trong mỗi người dân.

Một điểm đáng ghi nhận nữa tại Ngày Thơ Việt Nam 2018 là chương trình nghệ thuật tại hai sân thơ cũng được Ban tổ chức lựa chọn rất kỹ lưỡng. Năm nay chỉ có một đơn vị là Học viện Múa Việt Nam được lựa chọn biểu diễn trong chương trình thay vì nhiều đơn vị như trước. Điều này giúp cho chương trình diễn ra thống nhất theo hướng chú trọng việc đọc, trình diễn thơ. Bên cạnh đó, các tiết mục trình diễn được bố trí hài hòa, hấp dẫn ở cả hai sân thơ tạo không khí thêm sôi động, thu hút công chúng...chứ không như một “món lẩu thập cẩm” như các lần tổ chức trước mà người dân từng chứng kiến.

Một số hình ảnh tiêu biểu Ngày Thơ Việt Nam 2018 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám do PV báo Sức khỏe&Đời sống ghi lại được trong ngày 2/3:

Tại sân thơ truyền thống, nhiều nhà thơ tiêu biểu như Trần Nhuận Minh, Anh Ngọc, Lê Cảnh Nhạc, Mai Văn Phấn... đọc thơ và giao lưu với công chúng

Hai nhà thơ đến từ Nhật Bản đọc thơ tự sáng tác, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý (đứng giữa) chuyển ngữ sang tiếng Việt

Xen kẽ các phần đọc thơ là các tiết mục văn nghệ múa hát đặc sắc

Tại Sân thơ trẻ, các tác giả tiêu biểu cũng đọc, trình diễn tác phẩm do mình sáng tác trước người yêu thơ

Ngày thơ còn có cả không gian thơ thiếu nhi độc đáo

Triển lãm Nhà văn Việt Nam tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cũng như hoạt động mua bán sách tại Ngày thơ năm nay thu hút công chúng

Các thiếu nữ trong bộ áo dài trắng tinh khôi cầm 50 câu thơ hay được treo vào bóng bay, sau đó 50 câu thơ được thả lên trời

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI thu hút nhiều người dân đến dự và mọi người luôn đắm chìm trong không gian thi ca


Bài, ảnh: Phạm Quỳnh
Ý kiến của bạn