Hà Nội

Cận cảnh lò cao luyện gang làm vũ khí trong hang đá thời kháng chiến chống Pháp

06-05-2024 15:08 | Xã hội
google news

SKĐS - Nằm sâu trong hang núi ở huyện Như Thanh (Thanh Hóa) lò đúc gang Hải Vân, từng sản xuất hàng trăm tấn gang phục vụ đúc vũ khí để chống thực dân Pháp xâm lược.

Nằm cách TP Thanh Hóa khoảng 45 km về hướng Tây Nam, Lò cao kháng chiến Hải Vân được xây dựng trong hang núi Đồng Mười, xã Hải Vân (nay là thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh), được xem như kỳ tích của ngành quân giới Việt Nam trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cận cảnh lò cao luyện gang làm vũ khí trong hang đá thời kháng chiến chống Pháp- Ảnh 1.

Núi Đồng Mười, nơi chứa lò cao Hải Vân.

Hơn 70 năm về trước, nơi đây là địa điểm sản xuất ra hàng trăm tấn gang, phục vụ đúc vũ khí để chống thực dân Pháp xâm lược. Đến nay, những dấu tích còn lại trong hang đã thu hút nhiều người dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Cận cảnh lò cao luyện gang làm vũ khí trong hang đá thời kháng chiến chống Pháp- Ảnh 2.

Lối vào khu vực hầm phía nam đặt lò cao kháng chiến Hải Vân.

Theo tài liệu lịch sử, năm 1947 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã chuyển sang giai đoạn cam go ác liệt, các trận đánh lớn nhỏ diễn ra rộng khắp trên các vùng miền của Tổ quốc.

Lúc này Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp giao cho Cục Quân giới (Bộ Quốc Phòng) nghiên cứu, xây dựng và vận hành các lò cao luyện gang, tạo các phôi thép cung cấp cho các binh công xưởng sản xuất vũ khí, trang bị cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích đánh Pháp.

Cận cảnh lò cao luyện gang làm vũ khí trong hang đá thời kháng chiến chống Pháp- Ảnh 3.

Các công trình của lò cao NX3 hiện đã được trùng tu, tôn tạo giống như 70 năm về trước.

Trước nhiệm vụ cấp bách ấy, năm 1949, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, địa điểm thung lũng Đồng Mười được chọn làm điểm xây dựng lò cao... Phía sau lò cao và lò đứng là bức tường được làm bằng gạch đặc ngăn hướng cổng ra phía Bắc. Hầu hết các bức tường này còn nguyên vẹn, một số ít đã được trùng tu. Lò cao gắn liền với tên tuổi của các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam thời bấy giờ như giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa, kỹ sư Võ Quý Huân, cán bộ kỹ thuật Trịnh Tam Tỉnh.

Cận cảnh lò cao luyện gang làm vũ khí trong hang đá thời kháng chiến chống Pháp- Ảnh 4.

Hầu hết các bức tường này còn nguyên vẹn, chỉ có một số ít đã được trùng tu.

Lò cao NX1 có dung tích 6.7m3 (cỡ nhỏ), thuộc loại bán cơ khí, được xây bằng gạch chịu lửa, có vỏ tôn bao bọc, công suất trung bình khoảng 2 tấn/ngày. Lò cao NX2 có dung tích 1m3 dùng để thí nghiệm và chuẩn bị cho việc sản xuất tại lò cao NX1.

Cuối năm 1953, địch dò được xưởng cơ khí bí mật của ta, chúng ra sức dội bom bắn phá. Trước tình thế ấy, ta đã quyết định di chuyển ngay vào trong hang đá Đồng Mười, xây dựng thành công lò cao NX3 và tiếp tục sản xuất.

Cận cảnh lò cao luyện gang làm vũ khí trong hang đá thời kháng chiến chống Pháp- Ảnh 5.

Khu vực lò sấy, có nhiệm vụ sấy quặng trước khi đưa vào lò cao.

Từ lò cao NX3 trong hang núi Đồng Mười xứ Thanh đã có hàng trăm tấn gang ra lò được đưa đi phục vụ đúc lựu đạn, súng cối, chảo, nồi quân dụng... Đặc biệt, trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, để tiền tuyến vững tin đánh trận thì có một phần không nhỏ đóng góp từ "hậu phương" lò cao Đồng Mười.

Theo thống kê, từ cuối năm 1951 đến tháng 7/1954, lò cao NX1 và NX3 đã sản xuất gần 500 tấn gang, đáp ứng được yêu cầu sản xuất, chế tạo các loại vũ khí như mìn, lựu đạn, súng cối, đạn bazooka, xoong nồi quân dụng... phục vụ chiến trường. Ngoài ra, gang còn dùng để đúc những quả tạ lớn làm búa máy phục vụ sửa chữa những cây cầu bị phá hoại trong chiến tranh.

Cận cảnh lò cao luyện gang làm vũ khí trong hang đá thời kháng chiến chống Pháp- Ảnh 6.

Lò gió nóng hình vồm (nhìn xuống lò đứng) có 2 cửa để tiếp nhiên liệu và lấy phế liệu.

Việc sản xuất gang trong hang Lò Cao kết thúc năm 1954. Cùng năm đó, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đánh dấu mốc quan trọng kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp của cả dân tộc.

Sau thắng lợi Điện Biên Phủ, tháng 12/1954, lò cao kháng chiến Hải Vân hoàn thành sứ mệnh và ngừng hoạt động. Năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Lò cao kháng chiến Hải Vân là Di tích lịch sử quốc gia. Lò đang từng bước được huyện Như Thanh và ngành văn hóa trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích.

Video lò cao luyện gang làm vũ khí.

Cầu truyền hình đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên PhủCầu truyền hình đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cầu truyền hình đặc biệt "Dưới lá cờ quyết thắng" kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) do Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện tại 5 điểm cầu.


Ngọc Hưng
Ý kiến của bạn