Đây là nghi lễ gắn liền với tâm thức của người dân địa phương, nhằm tưởng nhớ, tri ân công ơn của các bậc tiền nhân có công giong thuyền, đạp sóng ra khơi, dựng bia, cắm mốc, xác lập, bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Tại buổi lễ, văn tế đội dân binh Hoàng Sa đã nêu về số phận của những dân binh Hoàng sa- Trường Sa năm xưa có đoạn: Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa.
Câu ca khắc khoải, lưu truyền bao đời nay ở đảo Lý Sơn nhắc nhở thế hệ sau mãi ghi ơn các bậc tiền nhân đã không tiếc máu xương, giong buồm vượt sóng ra Hoàng Sa dựng bia, cắm mốc khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Buổi lễ đã tái hiện, khắc họa sinh động lại Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm xưa, với những thuyền câu, trong khoang lái có hình nhân cùng các vật lễ mà binh phu Hoàng Sa phải mang theo như: Vàng mã, thịt gà, xôi chè, nẹp tre, dây mây, muối gạo...
Sau phần tế lễ, tiếng ốc u nổi lên hiệu lệnh cho những trai tráng làm lễ rước thuyền và hình nhân thế mạng hướng ra biển Hoàng Sa theo con đường mà các bậc tiền nhân Lý Sơn đã ra đi từ hơn 400 năm trước, để thể hiện ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn, ngoài nghĩa cử tri ân, tưởng nhớ các binh phu trong đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn đã can trường quên mình vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tồ quốc, còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, về chủ quyền biển đảo cho thế hệ trẻ.