1. Vì sao bị viêm dây thần kinh thị giác?
Đa số các trường hợp chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh chính xác. Nguyên nhân phổ biến nhất là bệnh đa xơ cứng. Thực tế, viêm dây thần kinh thị giác thường là triệu chứng đầu tiên của bệnh đa xơ cứng. Ngoài ra, viêm dây thần kinh thị giác cũng có thể là do nhiễm trùng hoặc một phản ứng viêm của hệ miễn dịch.
- Các bệnh thần kinh có thể gây viêm dây thần kinh thị giác: Đa xơ cứng; Viêm tủy – thị thần kinh; Bệnh Schilder…
- Các bệnh nhiễm trùng có thể gây ra viêm dây thần kinh thị giác: Quai bị; Sởi; Lao; Viêm não do virus; Viêm xoang; Viêm màng não; Bệnh zona thần kinh…
Các nguyên nhân khác cũng có thể gây ra viêm dây thần kinh thị giác: Sarcoidosis, một căn bệnh gây viêm các mô và các cơ quan khác nhau; Hội chứng Guillain-Barré, một căn bệnh gây ra do hệ thống miễn dịch tấn công hệ thần kinh; Phản ứng sau tiêm chủng, một phản ứng miễn dịch xảy ra sau khi tiêm chủng; Một số hóa chất hoặc thuốc…
2. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm dây thần kinh thị giác
Các yếu tố nguy cơ mắc viêm dây thần kinh thị giác: Viêm dây thần kinh thị giác thường gặp xuyên nhất ở người lớn tuổi từ 20-40; Nữ có nhiều khả năng bị viêm dây thần kinh thị giác hơn nam giới; Bệnh hay xảy ra ở người da trắng hơn là người da đen; Một số đột biến gen có thể làm tăng nguy cơ phát triển viêm dây thần kinh thị giác hoặc đa xơ cứng…
3. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Cần đi khám bác sĩ nếu thấy những trường hợp: phát triển các triệu chứng mới như đau mắt hay thay đổi thị lực; Triệu chứng nặng hơn hoặc không cải thiện với điều trị; Có triệu chứng bất thường: tê hay yếu một hoặc nhiều tay chân, vì có thể đây là dấu hiệu của một rối loạn thần kinh.4. Chẩn đoán viêm dây thần kinh thị giác
Đa số những người bị viêm dây thần kinh thị giác cảm thấy đau khi vận động nhãn cầu. Cơn đau có thể diễn ra trong vòng một tuần và sau đó biến mất trong vài ngày; Người bệnh thấy thị lực giảm sút nhanh từ vài ba ngày tới vài tuần, thậm chí có thể mù hẳn.
Trong nhiều trường hợp, thị lực có thể giảm khi vận động nhiều trong môi trường nhiệt độ cao sau đó sẽ trở về bình thường. Ngoài ra, người bệnh bị rối loạn trong việc nhận biết màu sắc, thậm chí không còn phân biệt được màu sắc.
Trong khi khám lâm sàng, bác sĩ có thể sẽ chẩn đoán ra bệnh dựa theo các triệu chứng và bệnh sử của người bệnh. Ngoài ra, để chính xác hơn, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm bổ sung để xác định nguyên nhân gây bệnh.
Dựa vào mối quan hệ chặt chẽ giữa viêm dây thần kinh thị giác và đa xơ cứng, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm: Chụp cắt lớp quang học (OCT) để thấy hình ảnh các dây thần kinh ở mặt sau của mắt; Chụp MRI não; Chụp CT cho thấy hình ảnh X-quang cắt ngang của bộ não hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
5. Bệnh có thể gây mất thị lực vĩnh viễn
Đa số các trường hợp bị viêm dây thần kinh thị giác đều tự hồi phục. Tuy nhiên ở một số trường hợp bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm dây thần kinh thị giác gây tổn thương ở thần kinh thị giác: Tổn thương này sẽ tồn tại vĩnh viễn sau một đợt viêm cấp tính.
- Gây giảm thị lực: Đa số các bệnh nhân đều có thể phục hồi thị lực bình thường sau đợt viêm cấp tính. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bị nhầm lẫn màu sắc kéo dài, đặc biệt không ít người bị mất thị lực vĩnh viễn
- Bệnh nhân gặp phải các tác dụng phụ của thuốc điều trị steroid: tạo điều kiện thuận lợi khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn. Ngoài ra, có thể gặp các tác dụng phụ khác: tăng cân, loãng xương, viêm loét dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa …
6. Phòng ngừa bệnh viêm dây thần kinh thị giác
Cần hạn chế những nguy cơ gây bệnh bằng cách: Duy trì chế độ sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý; Chú ý kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời.
Viêm dây thần kinh thị giác tiên lượng phụ thuộc vào bệnh lý căn nguyên. Thị lực có thể bắt đầu cải thiện sau khi điều trị corticoid. Bệnh nhân phục hồi sau từ 2-3 tuần đến 1-2 tháng, tuy nhiên khó có thể phục hồi hoàn toàn. Hầu hết các bệnh nhân có tiền sử viêm thị thần kinh điển hình và không có bệnh toàn thân đều có thể phục hồi thị lực. Tuy nhiên nhiều trường hợp sẽ tái phát ở cùng mắt hoặc mắt còn lại. Chính vì thế, việc phát hiện bệnh sớm, điều trị tích cực rất có ý nghĩa trong phục hồi thị giác, tránh tái phát và biến chứng nặng.
Mời xem video nhiều người quan tâm:
Ảnh Hưởng Lâu Dài Của Covid-19 Đến Sức Khỏe Tim Mạch I SKĐS