Cần cảnh giác đặc biệt

18-03-2015 14:19 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong thời gian gần đây, hàng loạt vụ giả danh công an đã liên tiếp bị lực lượng chức năng lật tẩy, triệt phá khiến dư luận hết sức lo ngại.

Trong thời gian gần đây, hàng loạt vụ giả danh công an đã liên tiếp bị lực lượng chức năng lật tẩy, triệt phá khiến dư luận hết sức lo ngại. Thay vì trước kia, các đối tượng sử dụng chiêu bài thông qua điện thoại, hiện nay, các đối tượng đã manh động, ngang nhiên trực tiếp tiếp xúc với người bị hại để thực hiện hành vi lừa đảo.

Đối tượng Trần Văn Nhứt giả danh đại tá công an thực hiện hành vi lừa đảo hàng tỷ đồng bị bắt tại cơ quan công an.

Sử dụng đủ chiêu bài để lừa đảo

Mới đấy nhất, 17/3, Đại tá Trần Văn Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và quyết định bắt tạm giam 4 tháng đối với Trần Văn Nhứt (SN 1958) ở ấp Phú Hiệp, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo tài liệu, thời gian qua, Trần Văn Nhứt đã giả danh Đại tá cùng với Bảy Cụt giả danh Trung tướng, Tổng cục II, Bộ Công an đến các tỉnh làm quen với cán bộ cao cấp của địa phương, qua đó, tiếp xúc với các doanh nghiệp “đánh bóng thương hiệu”, giới thiệu có khả năng “chạy” dự án, công trình. Đi đến đâu, Nhứt và Bảy cụt cũng đều ở các khách sạn sang trọng, có đệ tử tháp tùng. Tin tưởng vào vỏ bọc ấy, nhiều   doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn toàn quốc đã trở thành nạn nhân của Nhứt và đồng bọn. Bước đầu điều tra, Cơ quan Công an đã làm rõ hành vi lừa đảo của Nhứt gần 2 tỷ đồng, trong đó lừa đảo một nạn nhân ở Hà Tĩnh 500 triệu đồng; một nạn nhân ở Bắc Ninh 1 tỷ 230 triệu đồng.

Không chỉ thực hiện đơn lẻ một hai người, hiện nay, các đối tượng giả danh công an còn táo tợn lập thành băng nhóm để thực hiện lừa đảo. Theo đó, Công an huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng cho biết, cơ quan này vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Đỗ Việt Mỹ, Hồ Phạm Sang, Đỗ Việt Thắng, Nguyễn Thanh Tuyên, Lê Đình Hải và Phạm Đức An trú tại huyện Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc. Hai đối tượng còn lại là Nguyễn Minh Tâm và Nguyễn Bá Duy đang bị Công an huyện Bảo Lâm tiếp tục truy bắt. Theo cơ quan công an, các đối tượng này đã giả danh là trinh sát hình sự thực hiện vụ cướp một cách manh động và liều lĩnh vào đêm 2/2 tại thôn 7, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm. Cụ thể, vào thời gian trên, cả bọn mang đeo roi điện, mã tấu đến nhà ông Phạm Ngọc Quỳnh ở thôn 7, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, tự xưng là trinh sát hình sự, yêu cầu cho kiểm tra giấy tờ. Sau khi cửa được mở ra, ngay lập tức các đối tượng xông vào khống chế anh Đào Văn Phương (người làm thuê cho ông Quỳnh) và anh Trần Anh Ngọc (ở nhờ nhà ông Quỳnh) để cướp đi... 20 con gà chọi, lấy của anh Ngọc 1 ví da và 1 điện thoại di động rồi bỏ trốn.

Xử lý thế nào khi gặp công an giả danh?

Thủ đoạn phạm tội chủ yếu của các đối tượng giả danh công an thường là cưỡng đoạt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trong một số trường hợp là trộm cắp… Hình thức thể hiện của loại tội phạm này cũng rất đa dạng, có lúc chúng giả danh là cảnh sát hình sự, có khi lại là cảnh sát giao thông, có trường hợp lại là cảnh sát cơ động. Khi giả danh là công an, hầu hết các đối tượng đều nhằm mục đích vụ lợi, có được lòng tin của người bị hại nhằm dễ dàng chiếm đoạt tài sản. Đối tượng giả danh thường nhằm vào những người đi đường, có hành vi vi phạm Luật Giao thông, các gia đình có con, em đang trong vòng lao lý có nhu cầu cần chạy án. Chúng lợi dụng vào tâm lý lo sợ của người bị hại, rất thiếu cảnh giác, chỉ muốn xin xỏ giải quyết nhanh để vòi vĩnh tiền của người bị hại. Liên quan đến vấn đề này, Thiếu tá Phạm Minh Thặng - nguyên Phó Trưởng Công an phường Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, trong các vụ án này, thông thường, đối tượng gây án có sự sắp xếp, chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và hoàn hảo nên chúng dễ dàng qua mắt người bị hại. Trong khi đó, gia đình các nạn nhân thường quen biết các đối tượng một cách chóng vánh nên sau khi bị lừa cũng chẳng biết đối tượng tên thật là gì, công tác ở đâu nên việc điều tra gặp rất nhiều khó khăn.

Đáng lưu ý, khi hành vi giả danh bị cơ quan chức năng lật tẩy, hầu hết các đối tượng phạm tội đều khai nhận rằng, khi mặc bộ sắc phục và giới thiệu là công an, chúng dễ dàng lấy được lòng tin của mọi người, dễ khiến người ta tin theo để phục vụ lợi ích cá nhân của bọn chúng.

Qua các vụ giả danh công an bị phát hiện trong thời gian qua cho thấy đối tượng giả danh công an hiện rất tinh vi, chúng liều lĩnh… lừa cả công an thật. Vì thế, trong các trường hợp cảm thấy nghi ngờ, lực lượng công an cần phải khéo léo giữ đối tượng “giới thiệu là công an”, sau đó yêu cầu đối tượng cho kiểm tra thẻ ngành… Về phía người dân, cần đặc biệt cảnh giác với loại tội phạm này. Các đối tượng giả danh thường cố ra oai, thường nói nhiều về mình, khoe khoang và tự giới thiệu là công an. Sau đó, bọn chúng sử dụng các giấy tờ giả, đồng thời đưa ra các thông tin về lực lượng công an mà chúng đã tự tìm hiểu trước đó để đánh lừa những người nhẹ dạ. Ngoài ra, trong trường hợp bị nghi ngờ đối tượng giả danh, cần chú ý đến trang phục của lực lượng làm nhiệm vụ. Bởi thông thường, trang phục của các đối tượng giả danh công an không đồng nhất, hầu hết chúng đều sử dụng thẻ ngành giả, không đeo số hiệu công an trên người. Nếu có nghi ngờ là công an giả, người bị hại cần phải đến cơ quan công an gần nhất để trình báo.

Anh Nguyên

 

 


Ý kiến của bạn