Cận cảnh đại công trường Cảng hàng không Sa Pa với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng

03-05-2023 10:18 | Xã hội

SKĐS - Với tổng mức đầu tư 6.948 tỷ đồng, Cảng hàng không Sa Pa (tỉnh Lào Cai) được kỳ vọng sẽ trở thành một “Vân Đồn trên núi” của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc.

Cận cảnh đại công trường Cảng hàng không Sa Pa với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Ngày 21/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cảng Hàng không (CHK) Sa Pa với tổng mức đầu tư 6.948 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tổng vốn Nhà nước tham gia vào dự án là 2.730 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng, còn lại nhà đầu tư huy động 4.218 tỷ đồng.

Cận cảnh đại công trường Cảng hàng không Sa Pa với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Theo quyết định, địa điểm xây dựng sân bay Sa Pa tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Dự kiến nhu cầu sử dụng đất của sân bay 371ha trong đó giai đoạn 1 là 295,2ha, giai đoạn 2 là 75,8ha. Trong giai đoạn 1 (thực hiện từ năm 2021), sân bay Sa Pa được xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C (theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và là sân bay quân sự cấp II, công suất 1,5 triệu hành khách/năm.

Cận cảnh đại công trường Cảng hàng không Sa Pa với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng - Ảnh 3.

Giai đoạn 2 (hoàn thiện, thực hiện sau năm 2028) sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án để sân bay đạt công suất 3 triệu khách/năm. Dự kiến, thời gian thực hiện dự án sân bay Sa Pa 50 năm, gồm thời gian xây dựng 4 năm, thời gian khai thác và thu hồi vốn 46 năm.

Cận cảnh đại công trường Cảng hàng không Sa Pa với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng - Ảnh 4.

Điểm nhấn lớn nhất tại dự án thành phần 2 là xây dựng nhà ga hành khách 1 cao trình, đáp ứng khai thác đến 1,5 triệu hành khách/năm, 600 hành khách/giờ cao điểm; diện tích xây dựng nhà ga 12.161m2; xây dựng nhà điều hành cảng hàng không với diện tích 2.538m2, 3 tầng; xây dựng nhà xe kỹ thuật ngoại trường diện tích 833m2 và trạm khẩn nguy cứu hỏa diện tích 451m2.

Cận cảnh đại công trường Cảng hàng không Sa Pa với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng - Ảnh 5.

Bên cạnh đó, dự án còn đặt mục tiêu xây dựng nút giao khác mức giao cắt với Cao tốc Hà Nội - Lào Cai; đường giao thông vào cảng với chiều dài khoảng 1,66km. Việc đầu tư xây dựng CHK Sa Pa có ý nghĩa rất quan trọng, tạo bước đột phá lớn về hạ tầng giao thông đối với tỉnh Lào Cai và vùng Trung du, miền núi phía Bắc, góp phần cụ thể hóa triển khai Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo báo cáo mới nhất từ Phòng Văn hoá Thông tin thị xã Sa Pa, tổng lượt khách đến Sa Pa từ ngày 29/4 - 3/5 ước đạt 103.000 lượt, tăng cao so với cùng kỳ năm 2022.

Tại lễ động thổ dự án (3/2022), ông Nguyễn Trọng Hài - Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: "Việc xây dựng CHK Sa Pa là ước mơ, khát vọng đã hình thành từ rất lâu của tỉnh và cũng là sự mong mỏi của nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai".

Nhiều người kỳ vọng CHK Sa Pa sau khi hoàn thành, đi vào khai thác sử dụng sẽ trở thành "Vân Đồn trên núi" như CHK quốc tế Vân Đồn (có diện tích 325 ha, tổng mức đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng).

VIDEO: Ngắm nhìn đại công trường CHK Sa Pa sau hơn 1 năm khởi công xây dựng:

Ghi nhận tại đại công trường xây dựng CHK Sa Pa những ngày đầu tháng 5, máy móc cùng những người công nhân đang hối hả thi công. Các hạng mục thi công đang dần xuất hiện hình hài hoàn chỉnh.


Trường Vũ
Ý kiến của bạn