SKĐS - Những bánh trà lên men từ loại trà Shan Tuyết cổ thụ được chế biến cầu kỳ qua nhiều công đoạn thực sự được coi là “báu vật” của vùng núi Tây Bắc bởi càng để lâu, giá trị càng tăng.
Chị Lý Bùi Mương (nhân viên HTX chế biến trà Phìn Hồ, Hoàng Su Phì, Hà Giang) chia sẻ về "báu vật" của núi rừng Tây Bắc.
Nếu là trà thường (các loại trà xanh, hồng trà…) để qua thời gian hoặc lưu trữ trong điều kiện không tốt thì phẩm trà sẽ đi xuống. Nhưng với trà Shan Tuyết khi được ép bánh càng để lâu, giá trị và phẩm trà càng tăng, đó là sự khác biệt.
Do đặc tính trà cổ thụ có nội chất mạnh, được thu hái theo quy cách (thường là một tôm hai lá), sơ chế, lên men, khi đem ép bánh chặt sẽ hạn chế tiếp xúc không khí, độ ẩm, nhiệt độ từ bên ngoài.
Trà được ép chặt nhưng nội chất vẫn tiếp tục chuyển biến, lên men chậm theo thời gian (ép càng chặt, độ biến chuyển càng chậm, càng tốt để lưu giữ lâu năm), hàm lượng khoáng chất trong trà như axit amin, các loại vitamin, độ ngọt umami càng biến chuyển dày và phong phú hơn.
Chất chát (tanin) trong trà ép bánh qua thời gian trở nên dịu thắm, dậy mùi hương tươi của trà xanh cổ thụ, hương hoa lan. Càng để lâu, hương tươi mới trong bánh trà càng thơm.