Cần cẩn trọng với các bệnh truyền nhiễm trong bối cảnh COVID 19

17-12-2020 11:17 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong một năm qua, COVID-19 đã trở thành kẻ thù chung của sức khỏe toàn cầu, COVID-19 không chỉ gây nên những thiệt hại trực tiếp mà còn ảnh hưởng gián tiếp đối với sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm khi các chương trình tiêm chủng bị gián đoạn.

Sáng ngày 16/11, tại TP.HCM, hội Bác sĩ gia đình thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi tọa đàm “Tầm quan trọng của việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm trong bối cảnh COVID-19” với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực dịch tễ, bệnh truyền nhiễm... Buổi Tọa đàm đã cung cấp những lưu ý về tầm quan trọng của việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em và cả người lớn để hạn chế nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn đang tiếp tục diễn biến phức tạp.

Nguy cơ gánh nặng kép

Theo thông tin từ các chuyên gia trong buổi tọa đàm, WHO và UNICEF đã cảnh báo về số trẻ em được tiêm các vắc-xin thiết yếu trên toàn thế giới đã giảm xuống một cách đáng báo động. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự gián đoạn trong vận chuyển và dịch vụ tiêm chủng gây ra bởi đại dịch COVID-19. Theo các số liệu thống kê mới của WHO và UNICEF, có ít nhất 30 chiến dịch tiêm vắc-xin sởi đã không được thực hiện hoặc có nguy cơ bị hủy, điều này có thể dẫn đến sự bùng phát bệnh sởi vào năm 2020 và những năm sau đó. Theo một cuộc khảo sát nhanh mới do do UNICEF, WHO và Gavi thực hiện hồi giữa năm thì 3/4 trong số 82 quốc gia tham gia khảo sát báo cáo rằng các quốc gia này có những gián đoạn trong chương trinh tiêm chủng do COVID-19 gây ra; cụ thể theo thông tin từ WHO có tối thiểu 80 triệu trẻ em dưới một tuổi ở 68 đang có nguy cơ mắc các bệnh như bạch hầu, sởi và bại liệt do các chương trình tiêm chủng bị gián đoạn; nếu tiếp tục không được tiêm chủng, tiêm thiếu mũi hoặc tiêm muộn so với lịch khuyến cáo, trẻ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh cao khi hiệu quả miễn dịch không được đảm bảo.

Tiêm đúng – tiêm đủ để được bảo vệ

Sự gián đoạn các chương trình tiêm chủng là điều đáng báo động, sự gián đoạn có thể làm gia tăng số người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác và có khả năng làm tăng nguy cơ bùng phát thành các làn sóng bệnh trong cộng đồng, tạo nên gánh nặng kép bên cạnh COVID-19.

Ts. Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO phát biểu. “Đại dịch đã làm cho những tiến bộ này đứng trước nguy cơ. Những bệnh tật và tử vong ở trẻ em do không được tiêm vắc-xin thường xuyên còn nhiều hơn do COVID-19. Điều này không đáng phải xảy ra. Vắc-xin có thể được vận chuyển một cách an toàn ngay cả trong thời gian dịch bệnh và chúng tôi kêu gọi các quốc gia hãy đảm bảo tiếp tục chương trinh tiêm chủng thiết yếu”

PGS.TS.BS Trần Ngọc Hữu nguyên viện trưởng viện Pasteur TP.HCM chia sẻ trong buổi tọa đàm

Theo PGS.TS.BS Trần Ngọc Hữu nguyên viện trưởng viện Pasteur TP.HCM chia sẻ trong buổi tọa đàm “tầm quan trọng của việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm trong bối cảnh COVID-19” do hội Bác sĩ gia đình TP.HCM tổ chức cho biết: “Tiêm chùng thực sự có vai trò quan trọng đối với nỗ lực y tế dự phòng của toàn xã hội. Việt Nam ta trong nhiều năm qua đã triển khai tốt và đạt được nhiều thành quả tốt đẹp từ chương trình tiêm chủng mở rộng, giúp giảm thiểu tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm thường gặp.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để hiệu quả miễn dịch được đảm bảo trong bối cảnh dịch COVID-19 còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ngoài việc đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19, Bộ Y tế… người dân cần chú ý đảm bảo tiêm đủ mũi, tiêm tủ liều và tiêm đúng lịch theo lịch tiêm chủng đặc biệt là các cột mốc tiêm chủng quan trọng ở trẻ nhỏ. Song song đó người trưởng thành và người lớn tuổi vẫn có nguy cơ cao bị ảnh hưởng sức khỏe bởi các bệnh như: cúm mùa, thủy đậu, bệnh do phế cầu… nếu không được tiêm phòng cũng như thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cần thiết và đúng cách.


Phúc Võ
Ý kiến của bạn