Tại dự thảo Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ quy định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm. Một số đại biểu đóng góp ý kiến nên có mức nhất định chứ không phải bằng 0 tuyệt đối như hiện nay.
Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cho hay, cơ bản thì rượu là chất có hại cho sức khỏe, tác dụng có lợi rất ít khi dùng 1-2 ly rượu vang/ngày. Rượu còn là một trong những chất gây ra số lượng bệnh tật nhiều nhất trong các loại chất mà con người sử dụng và tiếp xúc.
Nguy hiểm hơn, bản chất rượu chính là một chất gây nghiện được con người thỏa hiệp từ trước đến nay. Nó gây mất kiểm soát hành vi, càng dùng nhiều thì càng bị phụ thuộc nhiều, ngày càng tăng liều lên, từ uống ít dần dần có thể uống nhiều hơn.
"Ví dụ như trong một bữa tiệc, ban đầu uống rượu người ta thường sẽ chỉ uống ít, nhưng sau đó thì dần mất kiểm soát và tiếp tục uống nhiều lên một cách nhanh chóng.
Nhiều người về lâu dài, qua năm tháng uống rượu thì số lượng rượu cũng sẽ được uống nhiều lên trong mỗi lần uống. Thậm chí nhiều người nghiện rượu xuất hiện những cơn vật rượu, muốn bỏ thì phải dùng nhiều biện pháp để cai", TS.BS Nguyễn Trung Nguyên giải thích.
Nói về việc rượu ảnh hưởng đến người tham gia giao thông như thế nào? TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, kể cả khi chỉ uống ít rượu với nồng độ thấp thì cũng sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, tâm thần của người điều khiển phương tiện giao thông.
"Nhẹ là sẽ gây hưng phấn, nặng hơn là gây mất kiểm soát hành vi. Uống đến một nồng độ nhất định nó sẽ gây mất khả năng điều khiển, phối hợp vận động, mất khả năng phán xét… thì rõ ràng là không thể lái xe.
Với những người tâm lý ổn định, bình tĩnh thì còn có thể sẽ phần nào kiểm soát được. Với những người tâm lý khó kiểm soát, trong đầu luôn có xu hướng chống đối xã hội, kích động… thì phần lớn sẽ gây nguy hiểm khi tham gia giao thông", TS.BS Nguyễn Trung Nguyên lý giải.
Sau gần 1 ngày vẫn còn nồng độ cồn trong khí thở thì đáng bị phạt!
Thực tế ghi nhận, nhiều trường hợp uống vào buổi tối hôm trước mà đến trưa hoặc chiều hôm sau kiểm tra vẫn còn nồng độ cồn trong khí thở. Về điểm này, Giám đốc Trung tâm chống độc cho rằng "người đó xứng đáng bị xử phạt", vì chứng tỏ do đã uống quá nhiều, nồng độ cồn quá cao nên sau nhiều giờ đồng hồ vẫn không thể đào thải ra khỏi cơ thể.
"Đồng ý với việc có thể uống rượu, nhưng khi uống rượu thì phải có trách nhiệm với bản thân và mọi người. Chính vì thế tôi đồng tình với quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", Chuyên gia nhận định.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết thêm, vấn đề cồn nội sinh khiến dương tính với máy đo nồng độ cồn cũng có thể xảy ra, nhưng rất hiếm gặp. Bởi cồn nội sinh thường chỉ xảy ra ở người bị một số bệnh. Còn nếu "oan" thật thì cơ quan chức năng sẽ có cách, bằng việc đưa người đó đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Hơn nữa, tất cả các trường hợp có cồn nội sinh thì thường nồng độ rất thấp, rất khó có khả năng dương tính khi test cồn qua hơi thở. Bởi test cồn qua hơi thở có thể vẫn gây âm tính giả khi nồng độ chưa đủ để máy báo dương tính. Trong khi đó nếu xét nghiệm máu, nồng độ cồn rất thấp thì vẫn có thể phát hiện được.
Dựa trên căn cứ khoa học để cho phép người tham gia giao thông có nồng độ cồn
Cũng liên quan đến vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, từ khi Luật phòng chống tác hại rượu bia được ban hành và có hiệu lực pháp luật thì quan điểm về xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông ở Việt Nam đã thay đổi. Thời gian áp dụng văn bản pháp luật này cũng chưa lâu, bởi vậy để sửa đổi quy định về mức độ tối thiểu nồng độ cồn thì cũng cần phải tổng kết thực tiễn, phân tích trên cơ sở khoa học từ sự tác động chính sách này đến xã hội để có quyết định phù hợp.
"Cần phải căn cứ vào số liệu về các vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn để xác định, thường là những người vi phạm giao thông gây tai nạn thì nồng độ cồn ở mức nào? Có những trường hợp nào vi phạm nồng độ cồn ở mức độ nhẹ, mức độ nồng độ cồn không nhiều nhưng cũng dẫn đến mất kiểm soát gây tai nạn giao thông hay không?
Ngoài ra cũng cần đánh giá hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh rượu bia, nước giải khát, các cơ sở kinh doanh về thực phẩm, về nhà hàng, ẩm thực, du lịch đã bị tác động như thế nào đối với quy định nói không với nồng độ cồn?", Luật sư Cường nêu ra vấn đề.
Bên cạnh đó, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, nếu trong trường hợp Luật trật tự an toàn giao thông mà quy định nồng độ cồn cho phép ở một mức độ nhất định thì nội dung này là mâu thuẫn với luật phòng chống tác hại rượu bia hiện nay và một số văn bản pháp luật khác có liên quan. Vì vậy sẽ phải sửa đổi Luật phòng chống tác hại rượu bia, Luật giao thông đường bộ và một số văn bản khác có liên quan cho phù hợp.
Ngoài ra, việc thay đổi chính sách đối với quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống tác hại rượu bia, cũng cần có ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia y tế. Đặc biệt là phải có đánh giá về mức độ tác hại rượu bia đến đâu với người tham gia giao thông khi chỉ có một lượng nhỏ nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.
Cùng với đó, cần đánh giá mức độ mất an toàn với người tham gia giao thông ở khía cạnh khoa học với mức độ nồng độ cồn. Nếu các chuyên gia y tế cho rằng ở một mức định độ nồng độ cồn nhất định, mức độ cho phép, người tham gia giao thông vẫn đảm bảo an toàn thì khi đó nên có sự thay đổi cho phù hợp và đảm bảo tính khoa học.
"Theo quan điểm cá nhân tôi thì nên quy định cho phép người tham gia giao thông có nồng độ cồn ở mức độ nhất định dựa trên căn cứ khoa học. Ngoài ra, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông thì cũng cần tăng mức chế tài đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức mất kiểm soát", Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.
Mời bạn đọc xem tiếp video: Bộ trưởng Bộ Công an giải trình lý do cấm tuyệt đối nồng độ cồn
Bộ trưởng Bộ Công an giải trình lý do cấm tuyệt đối nồng độ cồn.