Cần cách tiếp cận mới trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm

20-07-2023 19:05 | Y tế

SKĐS - Hiện nay, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực y dược đã có nhiều thay đổi theo hướng tập trung vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ. Do đó, cần những cách tiếp cận mới trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế, dược phẩm...

Cần đặt trọng tâm ưu tiên thu hút đầu tư nhằm phát triển ngành công nghệ dược phẩm 

Trong phát biểu tại hội thảo Triển khai Nghị Quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 20/7, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, thị trường chăm sóc sức khỏe nói chung và thị trường dược phẩm Việt Nam nói riêng đang gia tăng một cách nhanh chóng, đang có giá trị hơn 20 tỷ USD, chiếm khoảng 6% GDP trong năm 2022.

Theo dự báo của các các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan liên quan, con số này sẽ tăng khoảng 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và khoảng 33,8 tỷ USD vào năm 2030.

Cần cách tiếp cận mới trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm - Ảnh 1.

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận về tiếp cận mới trong thu hút đầu tư ngành y dược.

Bên cạnh đó, thị trường dược phẩm Việt Nam cũng trên đà tăng trưởng và phát triển rất mạnh, với tổng giá trị khoảng 3,4 tỷ USD vào năm 2015 và lên 7 tỷ USD vào năm 2022, tăng trưởng kép bằng 10,6%, trong đó sản xuất trong nước chiếm khoảng 45% tổng giá trị thuốc điều trị.

Giới chuyên gia dự báo, đến năm 2030, tổng giá trị thị trường thuốc của Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 13 tỷ USD và tiền mua thuốc bình quân đầu người sẽ đạt khoảng 75 USD. Đây cũng là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp dược với tiềm năng trở thành trung tâm dược phẩm và y tế của khu vực.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đến nay, số nhà máy sản xuất dược ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn GDP là 228 nhà máy, trong đó có 7 nhà máy sản xuất vaccine và 6 nhà máy sản xuất đóng gói thứ cấp vaccine và 77 nhà máy và sản xuất dược liệu, cho thấy rõ sự phát triển của thị trường dược Việt Nam. Tuy vậy, so với tiềm năng và nhu cầu, con số này còn khá khiêm tốn và rất cần sự tham gia của cả khu vực trong nước và khu vực nước ngoài.

Song song với đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, Việt Nam cần đặt trọng tâm ưu tiên thu hút đầu tư nhằm phát triển ngành công nghệ dược phẩm tại Việt Nam trong thời gian tới.

Cần cách tiếp cận mới trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Tạ Mạnh Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, trong luật Dược năm 2016 đã dành hẳn 1 chương về phát triển công nghiệp dược, dược liệu trong nước đặc biệt là các loại thuốc hiếm, thuốc chữa bệnh hiểm nghèo, thuốc công nghệ cao.

Theo Phó Cục trưởng Tạ Mạnh Hùng, hiện nay các chính sách phát triển ngành dược tương đối đầy đủ và sẵn sàng nhưng vẫn "nghẽn" trong thu hút đầu tư phát triển. Số lượng nhà máy nhiều và phát triển nhanh nhưng doanh nghiệp lớn thu hút nhà đầu tư nước ngoài chưa nhiều, chủ yếu tập trung các thuốc generic, chưa có thuốc phát minh (biệt dược gốc).

Đối với vaccine, Việt Nam đã sản xuất được 11/12 vaccine tiêm trong chương trình mở rộng quốc gia. Hiện đã có nhiều công nghệ chuyển giao sản xuất vaccine mới nhưng vẫn còn hạn chế. Tỷ lệ đầu tư phát triển dược của doanh nghiệp nội tại chưa cao.

Hình thành được các cụm, khu công nghiệp tập trung sản xuất dược phẩm sẽ là cơ sở để thu hút đầu tư 

Cần cách tiếp cận mới trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm - Ảnh 3.

Ông Tạ Mạnh Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế phát biểu.

Tham luận tại hội thảo, ông Emin Turan, Chủ tịch Pharma Group cho rằng, ngành dược là ngành đặc thù nên có những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, 10.000 phương án thử nghiệm thuốc thì chỉ 1 sản phẩm thành công và chỉ 1/3 số thành công có thể đưa vào hoạt động thương mại. Bởi vậy, hoạt động đầu tư vào dược phẩm rất lớn. Các công ty dược phẩm sinh học đã và đang duy trì tổng đầu tư vào R&D hơn 1.000 tỷ USD trên toàn cầu trong một thập kỷ, tính đến năm 2030. Trung bình tỷ trọng đầu tư vào R&D thường chiếm 15% doanh thu của công ty dược, mất 10 đến 15 năm và chi phí khoảng 2,6 tỷ USD để phát triển một loại thuốc mới, từ lúc nghiên cứu tới lúc thuốc được phê duyệt theo quy định...

"Đây là lý do các doanh nghiệp dược rất cẩn trọng trong việc đầu tư ra ngoài và thực hiện việc chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, một nghiên cứu toàn cầu cho thấy, có 10 yếu tố giúp quốc gia thành công trong thu hút chuyển giao công nghệ, bao gồm các yếu tố ổn định chính trị, minh bạch, ổn định"- ông Emin Turan nói.

Cần cách tiếp cận mới trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm - Ảnh 4.

Chủ tịch Pharma Group Emin Turan phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Emin Turan, Việt Nam đã có định hướng cho phát triển dược phẩm trong tương lai, cần thêm thị trường vốn phù hợp, môi trường minh bạch, sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, lực lượng lao động trình độ cao và những ưu tiên rõ ràng.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, gần đây có một số tập đoàn dược lớn trên thế giới có mong muốn phát triển một khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành dược tại Việt Nam và đã có tập đoàn đang manh nha ý tưởng đầu tư dự án tương tự.

Đây là một ý tưởng rất tốt, nếu chúng ta hình thành được các cụm, khu công nghiệp tập trung sản xuất dược phẩm thì sẽ là cơ sở để thu hút đầu tư vào phát triển ngành công nghiệp dược và tiến tới đưa Việt Nam trở thành trung tâm của khu vực về sản xuất dược phẩm.

Cần cách tiếp cận mới trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm - Ảnh 5.

Theo GS.TS Nguyễn Hải Nam: Với hàng nghìn dược sĩ và cử nhân hóa dược tốt nghiệp mỗi năm, Việt Nam hoàn toàn có thể cung ứng đủ nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp FDI trong ngành dược phẩm, y tế.

GS.TS Nguyễn Hải Nam - Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội cho hay việc thu hút đầu tư vào ngành dược còn điểm nghẽn vì bản chất dược phẩm là lĩnh vực yêu cầu trình độ rất cao và rất rủi ro. Việt Nam đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư FDI vào mảng dược phẩm, y tế nhưng vẫn chưa đủ, đòi hỏi sự cải cách mạnh mẽ hơn nữa trong thủ tục hành chính.

Chẳng hạn, từ lúc lập dự án tới khi đầu tư có khi phải mất 5 năm, một quãng thời gian rất dài với mỗi doanh nghiệp. Điều này có thể khiến doanh nghiệp FDI chuyển hướng sang các quốc gia có cơ chế thông thoáng hơn.

Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi sốBộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số

SKĐS - Ngày 20/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số tại Bộ Y tế.

Thái Bình
Ý kiến của bạn