Mưa lớn trong những ngày qua đã gây thiệt hại đáng kể cho một số tỉnh phía Bắc. Tính đến sáng 6/9, đã có 21 người chết do mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất xảy ra từ ngày 3 - 5/9 tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Lạng Sơn, Hà Giang, Thái Nguyên, Sơn La, Phú Thọ và Tuyên Quang. Trong đó Lai Châu 3 người, Lào Cai 9 người, Điện Biên 2 người, Lạng Sơn 2 người, Hà Giang 1 người, Thái Nguyên 3 người, Sơn La 1 người. Ngoài ra, tại Lào Cai có 2 người mất tích, các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang có 16 người bị thương.
Phòng khám đa khoa khu vực xã Bản Khoang bị đất đá bủa vây tứ phía. Ảnh: Phạm Lê Trung |
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan huy động lực lượng tại chỗ cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ gia đình có người bị chết, khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân. Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1428/CĐ-TTg ngày 5/9/2013 gửi các tỉnh miền núi phía Bắc và các bộ, ngành chỉ đạo công tác triển khai đối phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất. Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo PCLB T.Ư thường xuyên theo dõi tình hình mưa lũ, đôn đốc các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp đối phó.
Ngày 6/9, Bộ Y tế đã có công điện số 5526/CĐ – BYT gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa – Vũng Tàu, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc -Trung - Nam về việc triển khai công tác chủ động đối phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế có kế hoạch chủ động trong công tác ứng phó, phát huy phương châm "Bốn tại chỗ", ứng phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra. Đồng thời, chủ động sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão... và tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Các đội cấp cứu cơ động luôn luôn sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh. Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hoá chất, thiết bị, phương tiện và phân công các đội y tế cơ động ứng trực, sẵn sàng hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả do áp thấp nhiệt đới gây ra... Nguyễn Hồng |
Trao đổi với PV báo SK&ĐS qua điện thoại, BS. Phạm Lê Trung - Giám đốc BVĐK huyện Sa Pa, Lào Cai cho biết, tuy chỉ cách trung tâm du lịch Thác Bạc của huyện chưa đầy chục kilômét nhưng đường đến với bản Can Hồ A, xã Bản Khoang, huyện Sa Pa (nơi xảy ra cơn lũ quét kinh hoàng đêm 4/9) là cả một thách thức lớn. Trận lũ lớn đã biến con đường về bản thành một bãi lầy lội đầy nguy hiểm với nước suối cuồn cuộn. Sau nhiều tiếng đồng hồ vật lộn, các cán bộ y tế cũng đã tiếp cận được Can Hồ A.
Để sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp ba con bản Can Hồ A sớm ổn định cuộc sống, tỉnh Lào Cai đã huy động hơn 200 người thuộc lực lượng công an, quân đội và người dân địa phương tổ chức tìm kiếm 3 nạn nhân bị lũ cuốn trôi. Trong số 11 người bị thương, có 6 người bị thương nặng đang được cấp cứu tại BVĐK huyện Sa Pa.
Trước mắt, huyện Sa Pa đã hỗ trợ 6 triệu đồng cho mỗi gia đình có người bị chết và mất tích; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng cho mỗi gia đình. Về phía ngành y tế, Phòng khám đa khoa khu vực Bản Khoang đã bị thiệt hại nặng nề. Đất, cát đã tràn vào toàn bộ vào dãy nhà tầng 1. Hàng chục viên đá hộc to đã lấp đầy khoảng sân phía trước.
Hiện 20 cán bộ y tế của BVĐK huyện Sa Pa vẫn đang trực chiến tại Bản Khoang để sẵn sàng ứng cứu và làm công tác vệ sinh môi trường ở nơi xảy ra lũ quét. Trước đó, ngay khi được tin cơn lũ quét tràn qua địa bàn huyện Sa Pa, BVĐK tỉnh Lào Cai đã cử một kíp cán bộ lên tăng cường cho huyện và khám phân loại bệnh nhân ngay tại cơ sở.
Theo BS. Trung, đến thời điểm chiều 6/9, còn 9 nạn nhân bị thương do lũ quét vẫn đang được điều trị tại bệnh viện. Sức khỏe của các bệnh nhân đang diễn biến theo chiều hướng tốt và nhận được sự quan tâm của cán bộ y tế, chính quyền địa phương. Lo lắng của BS. Trung hiện nay là hậu lũ. Phòng khám đa khoa khu vực Bản Khoang đã bị thiệt hại nặng nề sẽ ảnh hưởng đến công tác KCB cho người dân trong khu vực.
Cấp cứu người bị thương từ Bản Khoang. Ảnh: Mạnh Dũng |
Việc khắc phục hậu quả không phải một sớm, một chiều, rất cần sự hỗ trợ từ tuyến tỉnh để phòng khám sớm đi vào hoạt động phục vụ bà con. Trong khi, việc khắc phục lũ quét vẫn còn bừa bộn tại Sa Pa thì tại huyện Văn Bàn thuộc tỉnh Lào Cai đã xảy ra vụ sạt lở núi tại bãi vàng Rừng Xanh, Rừng Vầu thuộc xã Minh Lương (Văn Bàn) đã khiến ít nhất 2 người chết, 12 người khác bị thương. Theo BS. Hoàng Minh Loan, Giám đốc BVĐK huyện Văn Bàn, hiện 12 người bị thương đang được cấp cứu tại bệnh viện và trạm y tế, trong đó 7 người bị thương nặng đã được đưa đến BVĐK huyện Văn Bàn điều trị, còn 5 người bị thương nhẹ đang điều trị tại Trạm y tế xã Minh Lương. Nguyên nhân vụ sạt núi ở xã Minh Lương ban đầu được xác định là do khu vực này có mưa lớn kéo dài, nước thẩm thấu xuống lòng đất vào các hầm khai thác vàng dẫn đến sạt lở.
Cũng trong thời gian này, tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã xảy ra giông lốc kèm sấm sét gây thiệt hại về người và tài sản. Tại tỉnh Đồng Nai, chiều 5/9, trên địa bàn thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) xuất hiện giông lốc kèm theo sấm sét đã làm ông Lê Minh Thanh (46 tuổi) bị sét đánh trúng gây tử vong. Trước đó, ngày 3 và 4/9, tại một số huyện như Tân Phú, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, thị xã Long Khánh (Đồng Nai) liên tục xuất hiện giông, lốc gây thiệt hại về hoa màu, cây ăn trái và nhà một số hộ dân bị tốc mái.