Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình, trong 6 tháng năm 2024, đơn vị tiếp nhận 169.750 liều vaccine, tiến hành phân bổ 129.750 liều tới các cơ sở để thực hiện triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Theo BS. Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình, lợi ích của công tác tiêm chủng mở rộng là vô cùng to lớn. Đây là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh truyền nhiễm gây ra đối với trẻ em và phụ nữ có thai.
Khi trẻ được tiêm chủng đủ mũi, đúng lịch sẽ sản sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh, trẻ khỏe mạnh, giảm nguy cơ tử vong, không bị các di chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra, giúp trẻ phát triển thể chất và trí não bình thường.
Dù gặp không ít khó khăn nhưng ngành Y tế Quảng Bình luôn nỗ lực hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra trong công tác tiêm chủng. Theo đánh giá, tỷ lệ tiêm chủng các loại vaccine đạt cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
CDC chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tiêm bù, tiêm vét để duy trì tỷ lệ tiêm ngay sau khi có vaccine. Chủ động kiểm tra, giám sát, hỗ trợ chuyên môn cho các địa phương trong chương trình, đảm bảo an toàn trong tiêm chủng mở rộng. Nhanh chóng cấp phát vaccine, vật tư sau khi tiếp nhận, đảm bảo tiến độ tiêm chủng. Đơn vị này còn tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn về giám sát tiêm chủng, sử dụng, bảo dưỡng thiết bị bảo quản vaccine.
Công tác tiêm chủng mở rộng tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng khó tiếp cận, vùng thiên tai… luôn được các đơn vị ưu tiên về kinh phí, vật tư, nhân lực. Cùng với đó, cán bộ y tế xã, thôn, bản thường xuyên thực hiện công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, lồng ghép chương trình tiêm chủng mở rộng với các chương trình chăm sóc sức khỏe khác giúp cho người dân từng bước hiểu được lợi ích của, vai trò của tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi để phòng bệnh cho trẻ.
Mới đây, sau nhiều năm, Quảng Bình ghi nhận 3 ca bệnh nhi mắc bệnh ho gà tại bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. Cơ quan chức năng nhanh chóng thực hiện các biện pháp dập dịch, ngăn chặn dịch bùng phát. Cùng với đó tổ chức tiêm bù, tiêm vét vaccine có thành phần ho gà cho những trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm đầy đủ.
Còn tại huyện Bố Trạch, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện này cho biết, đối với các xã miền núi, vùng biên giới, cán bộ trạm y tế xã tổ chức nhiều điểm tiêm chủng lưu động, gùi vaccine vào tận các bản xa để tiêm cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.
Bác sĩ Phan Văn Ngụy, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, việc di chuyển giữa các bản làng xa xôi trên những con đường hiểm trở giữa rừng là một trong những trở ngại lớn của cán bộ y tế khi thăm khám, tiêm chủng cho dân bản.
"Ở vùng đồng bằng, người dân sẽ đến cơ sở y tế để tiêm vaccine tập trung. Nhưng ở đây, do bà con chưa hiểu hết tầm quan trọng của tiêm chủng, chúng tôi phải đến tận bản, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, sau đó tiêm cho con em. Quá trình đó, việc vận chuyển, bảo quản vaccine đúng quy trình, đảm bảo chất lượng cũng rất quan trọng", bác sĩ Ngụy cho biết.
Theo thống kê, Quảng Bình hiện có 170 cơ sở tiêm chủng vaccine công lập. Hệ thống bảo quản các loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng được vận hành hiệu quả và đúng quy định.
"Việc bổ sung các thiết bị chuyên dụng để vận chuyển, bảo quản vaccine, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa là việc rất cần thiết. Nhờ đó đảm bảo chất lượng vaccine cũng như an toàn và sức khỏe cho người được tiêm", bác sĩ Tiệp cho biết.
Bác sĩ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình cho biết, đơn vị sẽ chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả các hoạt động của Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Sở Y tế cũng sẽ tham mưu các cấp có thẩm quyền để hoàn thành các hồ sơ, thủ tục cần thiết để được nhận hỗ trợ từ UNICEF trong thời gian tới.